cá cược thể thao trực tuyến là gì - web cá độ thể thao uy tín

Tin tổng hợp

Thầy cô đã vào năm đầu đại học thế nào?

  • 08/10/2018
  • Những tháng ngày đầu của cuộc sống đại học luôn để lại những hoài niệm sâu lắng nhất trong đời sinh viên. Đối với thầy cô - những cô cậu học trò năm xưa đã chọn ở lại giảng đường - thời năm nhất còn mang lấy vận mệnh của một đời. Ở đó là những đổi thay của thời cuộc khi đất nước vừa đi qua chiến chinh. Là niềm hoài vọng về Tổ quốc thịnh cường cùng bao lý tưởng rạo rực của tuổi trẻ. Và cả những người thầy từ chối nhận lương để đến lớp, viết tiếp ước mơ cùng học trò mình…

    *PGS.TS Võ Văn Nhơn - Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam và Lý luận văn học, Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM

    Sống một đời sinh viên khác

    Ngày 1/5/1975, tôi trở lại Trường ĐH Văn Khoa cùng các bạn đồng học để trình diện trước ban quân quản của trường. Nếu nói văn vẻ một chút, có thể xem đây là ngày khai giảng đầu tiên của tôi, bắt đầu cho một cuộc đời mới, cuộc đời sinh viên sau sự kiện 30/4. Trước đó tôi là sinh viên theo học Ban Triết của ĐH Văn Khoa từ năm 1973. Trở lại trường, tôi gặp lại bạn bè cũ, tuy không được đông như ngày trước. Chúng tôi tập trung ở giảng đường 1 (tức lầu 1 của dãy A cơ sở Đinh Tiên Hoàng hiện nay) và tập hát quốc ca của Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bài Giải phóng miền Nam do Huỳnh Minh Siêng sáng tác (một bút danh khác của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước). Sau đó, các anh trong Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng miền Nam lên sinh hoạt, tổ chức văn nghệ giao lưu. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo từ Bắc vào lên giao lưu, ông đọc rất sôi nổi mấy bài thơ trong tập Lá cỏ của Whitman. Vài ngày sau, chúng tôi tập trung học chính trị và triết học Marx-Lenin bên Trường ĐH Vạn Hạnh. Các lớp học này kéo dài khoảng 6 tháng trước khi chúng tôi bước vào giảng đường học chuyên môn.

    Việc học chính trị với tôi là rất mới mẻ và gợi nhiều tò mò. Do đó, khi vào học tôi khá hứng thú. Tôi đến các thư viện lục lọi sách vở của Marx, Lenin, tìm Tuyên ngôn của đảng cộng sản, các sách của Stalin để đọc. Khi còn là sinh viên Ban Triết, tôi đã được tiếp xúc với triết học Marx thông qua sách của thầy Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Toàn. Nhưng cách tiếp cận của các thầy theo hướng nghiên cứu của triết học phương Tây. Bây giờ, được tiếp xúc với cách diễn giải khác, chẳng hạn về duy vật biện chứng, gợi cho tôi rất nhiều điều mới lạ.

    Song song với các lớp học chính trị, chúng tôi đều phải tham gia một số chiến dịch của chính quyền mới. Đầu tiên là chiến dịch “Bài trừ văn hóa đồi trụy”. Những ngày đó, chúng tôi tập trung bên ngoài tòa nhà Hạ Nghị viện Việt Nam Cộng hòa rồi chia thành nhóm 2-3 người, đến các quán cà phê vào nói với họ đừng hát hay phát nhạc vàng nữa. Đến tối, mọi người quay lại chỗ tập trung để sinh hoạt rồi ngủ. Ngày đó vui lắm, đi bài trừ văn hóa đồi trụy vậy mà khi quây quần với nhau chúng tôi vẫn nghêu ngao hát nhạc Phạm Duy.

    Một ngày nọ, chúng tôi được chở tập trung ở Trường Hùng Vương bây giờ để học cách kiểm kê và xử lý tình huống khi tiếp nhận các cơ sở kinh doanh. Học đâu khoảng 1-2 tuần, bộ đội chở chúng tôi đến một căn biệt thự và dặn dò nếu ai có hỏi thì nói đi ăn cưới. Nửa đêm hôm đó, chúng tôi lại được chở tới Chợ Lớn. Tốp của tôi được phân đi cùng mấy anh bộ đội, tiếp quản một xưởng dệt của người Hoa. Xưởng dệt vẫn hoạt động bình thường, công nhân đến làm, nhưng đều trình diện và chịu sự quản lý của bộ đội. Tôi được một ông bảo vệ người Hoa của xưởng dệt mời tô cháo với củ cải muối. Sau này, tôi mới biết đây là chiến dịch X2 của chính quyền cách mạng.

    Kết thúc các chiến dịch, chúng tôi trở lại giảng đường đại học. Ban Triết không còn nữa, tôi đăng ký học Ban Văn. Các thầy cô lúc này đều là những người từ ĐH Tổng Hợp và ĐH Sư phạm Hà Nội chuyển vào giảng dạy như thầy Lê Đình Kỵ, Hoàng Như Mai, Nguyễn Xuân Nam, Hoàng Xuân Nhị…

    Bây giờ nhìn lại đó là quãng đời nhiều biến động của tôi. Chiến tranh kết thúc, tôi được trở lại trường, với tôi đã là niềm vui rất lớn rồi.

     

    * PGS.TS Hà Minh Hồng - Khoa Lịch Sử, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM

    Vào đại học với tất cả niềm phấn khởi

    Năm 1976 là năm đất nước vừa thống nhất xong và cũng là năm khai giảng đầu tiên của cả khóa I và khóa II, Trường ĐH Tổng Hợp TP.HCM. Lúc đó cùng nhiều sinh viên ở vùng giải phóng vào thành phố, chúng tôi vẫn mặc quân phục, đi dép râu và đội mũ cối vào trường. Tất cả tạo nên khung cảnh thật đặc biệt. Chúng tôi bước vào giảng đường đại học với tất cả sự háo hức, phấn khởi cùng biết bao nhiêu suy tư, rạo rực và cả những dự cảm. Bởi khi đi giữa khói lửa của chiến tranh, chúng tôi thường chuyền tay nhau bài thơ Nghe em vào đại học của thi sĩ Giang Nam và mơ ước khi hòa bình trở lại, chúng tôi được đến trường để viết tiếp tương lai. Chúng tôi luôn nghĩ sau giải phóng mình sẽ là một nhà giáo, nhà thơ, người đi viết báo, người nghiên cứu hoặc làm người khai quật những di tích… Nhưng khi bước vào mái trường đại học, mọi thứ không đơn giản như vậy. Chúng tôi nhận ra rằng mình phải học để xây dựng chủ nghĩa xã hội, học để bảo vệ chính quyền và phát triển cách mạng. Đặc biệt, chúng tôi phải học để cho Việt Nam sau chiến tranh sẽ trở thành một quốc gia hùng mạnh như bạn bè năm châu.

    Tôi vẫn nhớ trong tiết học đầu tiên của mình, có một thầy giáo ngoài Bắc vào giảng dạy. Gần kết thúc tiết học, chúng tôi mời thầy uống Coca. Thầy bất ngờ hỏi nước gì mà nó đen thế? Tôi nói thưa thầy, nước này là nước Coca. Thầy vẫn chưa hiểu rõ Coca là gì nên lại hỏi tiếp, thế Coca là cái gì? Tôi lại giải thích, thưa thầy, Coca là một loại nước giải khát thôi. Khi ấy, thầy rất ngạc nhiên, ủa ở đây lấy từ nước ngoài về à? Thật ra, trong bối cảnh chiến tranh, đối với người miền Bắc khi vào Nam như chúng tôi có nhiều thứ rất lạ lẫm. Sau đó, thầy dùng thử, không ngờ lại bị sặc do lần đầu uống nước có gas. Cả thầy và trò đều cười vui vẻ. Thầy nói đúng là thầy trò mình phải làm quen với những cái mới, Coca là một cái mới nên thôi tốt nhất là các cậu cứ cho tớ một cốc nước trà. Những tiết học của chúng tôi diễn ra trong không khí thân tình giữa thầy trò như thế.

    Ngoài giờ học, chúng tôi còn sinh hoạt bên ngoài xã hội. Những hoạt động như bán báo, đi dọn vệ sinh, sửa chữa lại đường phố thu hút sinh viên tham gia đông đảo. Xa hơn nữa, chúng tôi  đi về các vùng nông thôn để làm đồng. Chúng tôi thường đi theo nhóm, theo lớp bằng những chiếc xe đạp, xe lam để giúp đồng bào ở những vùng khó khăn như Phạm Văn Hai, Nhị Xuân, Hóc Môn, Bà Điểm rồi lên tận vùng Củ Chi, Thủ Đức…

    Tôi cho rằng vào đại học không chỉ học tập mà còn phải xây dựng những ước mơ, hoài bão. Chúng tôi rất muốn các bạn trẻ hiện nay phải có ước mơ lớn để trở thành những người thực sự có ích, cống hiến cho đất nước.

          

    * TS Trịnh Thanh Đèo - Trưởng phòng KT&ĐBCL, Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM

    Những buổi học một thầy một trò

    Tôi là sinh viên Khoa Toán - Tin học, niên khóa 1993-1997 của Trường ĐH Tổng Hợp TP.HCM. Tôi nộp hồ sơ vào trường hơi trễ, phòng đào tạo gần như đóng sổ rồi tôi mới đăng ký do khi ấy tôi lưỡng lự giữa Trường Tổng Hợp và Trường ĐH Sư Phạm. Hồ sơ nhập học dành cho sinh viên được trường chuẩn bị rất chỉnh chu, chẳng hạn giấy báo nhập học hay những thông tin kèm theo đều được trường in bằng máy tính. Có thể nói, khi ấy Trường ĐH Tổng Hợp TP.HCM là trường đi đầu về tin học hóa. Dù đăng ký sát ngày, nhưng trước tôi chỉ có 7 sinh viên chọn vào khoa và khi chốt sổ, tất cả chỉ có 9 người theo học.

    Do đăng ký nhập học trễ, lại là dân từ Cà Mau lên nên suất ở ký túc xá bên 135B, Trần Hưng Đạo không còn nữa. Khi đó, một người anh cùng quê đã giới thiệu tôi vào ở chung với học trò của anh đang ở khu ký túc xá này. Tôi mất gần như một học kỳ đầu của năm I để bắt nhịp với cuộc sống ở Sài Gòn. Qua đến học kỳ 2 năm I, tôi bắt đầu đi dạy kèm để trang trải phần nào chi phí sinh hoạt, học hành. Thời điểm đó, các trung tâm tìm kiếm việc làm phát triển mạnh nên tôi dễ tìm được nơi dạy. Sau 4 năm đại học, việc dạy học của tôi gần như rải khắp các lớp của bậc phổ thông.

    Vào học, những môn mà tôi chú ý nhất đều liên quan tới toán, nhất là môn Toán rời rạc. Môn học này khi đó chúng tôi học ở giảng đường 2, cơ sở Nguyễn Văn Cừ, do giáo sư Nguyễn Hữu Anh phụ trách. Khi giảng một bài toán nào đó, thầy đều cho cả lớp cùng làm. Lúc ấy là học kỳ 1 của năm I nên tôi còn rất rụt rè, tôi thường chọn ngồi ở dãy bàn cuối lớp. Nhưng giờ học của thầy hôm đó, tôi lại xung phong lên bảng giải bài. Giải xong, tôi quay về chỗ ngồi, đột nhiên cả lớp đều im lặng. Thầy bỏ micro xuống, rồi từ trên bục giảng đi đến chỗ của tôi chỉ hỏi một câu: “Em tên gì?”. Đó là  ấn tượng mà đến bây giờ tôi không thể quên được. Tôi của khi ấy vẫn chưa cảm nhận được cách giải của mình lại gây chú ý tới thầy như vậy. Từ đó, tôi bắt đầu tự tin hơn và việc học dần có những kết quả tốt đẹp. Sau này khi đi dạy, đối với những bạn có cách giải lạ, tôi luôn chú ý đến các bạn ấy.

    Đến cuối năm I, trường thực hiện cơ chế mới, sinh viên có thể theo học hai trường cùng lúc. Các bạn trong khoa vốn chọn toán nên đã về lại những trường khác. Cuối cùng khoa của tôi chỉ còn lại 5 người. Đến năm II, một người bạn nữa lại rời đi do đuối sức vì bạn ấy cùng lúc theo học Tự Nhiên lẫn Bách Khoa. Bạn ấy đã chọn Bách Khoa.

    Bước vào năm III, chúng tôi bắt đầu chọn chuyên ngành. Lúc đó khoa bắt buộc cả 4 người phải thống nhất chọn một chuyên ngành. Khóa trước tôi, cả 5 người đều phải chọn học chung chuyên ngành huống hồ chúng tôi nay chỉ còn 4 người. Khi đó, tôi đề xuất với khoa: “Bây giờ bọn em có 4 đứa, 3 bạn này thích học giải tích, còn em thích học đại số hơn. Nhờ các thầy giúp để tránh tình trạng bắt chọn đồng loạt giống như khóa trước”. May mắn cho tôi, lúc ấy thầy Bùi Xuân Hải cũng là người thầy hướng dẫn tôi cho đến nay và thầy Dương Minh Đức là hai người thầy có tiếng nói quan trọng trong khoa, các thầy đều đồng ý cho chúng tôi chọn theo nguyện vọng. Nhà trường có hỏi các thầy nếu như vậy thì làm sao chi trả thù lao được? Các thầy nói chúng tôi chấp nhận dạy không lương. Nhờ vậy, tôi đã được theo đuổi nguyện vọng của mình. Ngoài những môn học chung, tức cả 4 người cùng học, còn những môn chuyên ngành, riêng tôi học với các thầy. Những năm tháng ấy, hầu hết các buổi học đều là một thầy một trò làm việc với nhau.

    PHIÊN AN - CẢNH AN - NGUYỄN NHUNG -THỦY TIÊN

    Hãy là người bình luận đầu tiên