cá cược thể thao trực tuyến là gì - web cá độ thể thao uy tín

Hoạt động sinh viên và cộng đồng

Trao Giải thưởng Văn học trẻ ĐHQG-HCM 2023 cho 25 tác phẩm

  • 09/01/2024
  • Chiều 9/1, tại Trường ĐH KHXH&NV (cơ sở Đinh Tiên Hoàng, Q1) đã diễn ra Lễ Tổng kết, trao giải cuộc thi Giải thưởng Văn học trẻ ĐHQG-HCM lần II - năm 2023 và phát động Giải thưởng năm 2024.

    Phó Giám đốc ĐHQG-HCM Nguyễn Minh Tâm phát biểu tại buổi lễ.

    619 tác phẩm dự thi

    Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, với vai trò là hệ thống giáo dục đại học hàng đầu cả nước, ĐHQG-HCM luôn coi trọng việc phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng trẻ. Theo đó, Giải thưởng Văn học trẻ là một trong những giải pháp của ĐHQG-HCM nhằm phát huy tố chất, tiềm năng của các bạn trẻ yêu văn chương, nghệ thuật. 

    Sau gần 8 tháng tổ chức, Giải thưởng Văn học trẻ lần II nhận được 619 tác phẩm dự thi của 357 học sinh, sinh viên từ 70 trường đại học, 60 trường THPT trên toàn quốc. 

    “Tôi hy vọng cuộc thi sẽ là sân chơi sáng tạo tinh thần ý nghĩa, đồng thời là diễn đàn để học sinh, sinh viên thể hiện thông điệp nhân văn và trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, qua đó góp phần lan tỏa nhận thức và tình cảm tích cực đến giới trẻ cũng như toàn xã hội” - PGS.TS Nguyễn Minh Tâm nhắn nhủ. 

    Đánh giá về chất lượng tác phẩm năm nay, nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM, Trưởng Ban giám khảo, cho biết nhiều cây bút trẻ đã có sự mạnh dạn tìm tòi, sáng tạo ở nhiều thể loại. 

    “Xét trên tổng thể, không khó để nhận ra màu sắc hiện sinh lan tỏa trong nhiều tác phẩm. Các tác giả trẻ không ngần ngại mổ xẻ những hoang mang, rối bời và trắc ẩn từ bản thân để làm sáng tỏ ý nghĩa tồn tại của con người. Đặc biệt, các tác giả đều phát huy được thế mạnh thanh xuân của mình, đó là sự khước từ những ngôn từ dễ dãi và ý tưởng rập khuôn. Họ theo đuổi một tinh thần khác, ngay cả khi viết về những đề tài quen thuộc” - Trưởng Ban giám khảo nhận định.

    PGS.TS Nguyễn Minh Tâm trao giải Nhất cho các thí sinh.

    Trao hơn 200 triệu đồng 

    Tại buổi lễ, ban tổ chức đã vinh danh và trao giải cho 25 tác phẩm xuất sắc ở 3 thể loại tản văn, truyện ngắn và thơ. Trong đó có 3 giải Nhất trị giá 30 triệu đồng/giải, 3 giải Nhì trị giá 20 triệu đồng/giải, 7 giải Ba trị giá 5 triệu đồng/giải, 12 giải Khuyến khích trị giá 1 triệu đồng/ giải. Tổng giá trị giải thưởng là hơn 200 triệu đồng. Mỗi thí sinh đoạt giải còn được nhận Kỷ niệm chương và giấy chứng nhận của Giám đốc ĐHQG-HCM. 

    Ở thể loại tản văn, tác phẩm Những đường thẳng không người kẻ của tác giả Trần Trọng Đoàn (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đoạt giải Nhất, tác giả Trần Văn Thiên (Trường ĐH Y Dược TP.HCM) giành giải Nhì với tác phẩm Rễ của sông. Giải Ba gồm 3 tác phẩm Rau sam còn mọc trên đồng (tác giả Nguyễn Văn Đức Anh - Trường THPT Trần Văn Kỷ, Thừa Thiên Huế), Tử tế vang bóng? (tác giả Lê Thị Thùy Khánh - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM), Chờn vờn sương sớm (tác giả Võ Thị Hồng Hảo - Trường ĐH Quy Nhơn, Bình Định). Giải Khuyến khích được trao cho các tác phẩm Điểm tựa (tác giả Đỗ Hoàng Nam - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM), Ngày mai của ba (tác giả Huỳnh Nguyễn Bảo Duy - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM), Đừng bao giờ bỏ rơi chính mình (tác giả Phan Thị Kim Uyên - Trường THPT Phan Văn Trị, Bến Tre), Tôi và văn (tác giả Ngô Thị Thanh Huyền - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM), Khi cảm xúc lớn lên (tác giả Lại Bích Phượng - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM). 

    PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, và nhà văn Trịnh Bích Ngân trao giải Nhì cho các thí sinh.

    Về truyện ngắn, tác phẩm Cánh từ bi lặng im của tác giả Trần Văn Thiên (Trường ĐH Y Dược TP.HCM) giành giải Nhất, tác giả Trần Minh Tâm (Trường ĐH Văn Lang, TP.HCM) đoạt giải Nhì với tác phẩm Sắc xanh, giải Ba thuộc về tác phẩm 16+ của tác giả Nguyễn Ngọc Minh Châu (Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM). Giải Khuyến khích gồm 2 tác phẩm là Vòng vèo hay chùng chình (tác giả Lê Ngọc Vương Triệu - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM) và Tiếng đàn violin của cô gái trên sân thượng (tác giả Nguyễn Ngọc Khánh Nguyên - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM). 

    Về thơ, tác phẩm Người lạ của tác giả Lương Phan Huy Bảo (Trường ĐH Luật TP.HCM) giành giải Nhất, tác phẩm Gặt rừng của tác giả Nguyễn Thị Quỳnh Anh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đoạt giải Nhì. Ba tác phẩm Cơm Việt (tác giả Đặng Quốc Triệu - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM), Mưa: giáng thế và đối thoại (tác giả Trần Trọng Đoàn - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), John Steinbeck độc thoại, vào một ngày tháng Bảy, kẻ mạo danh đứng trước mặt ông (tác giả Trần Thị Lan Anh - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM) đồng đoạt giải Ba. Giải Khuyến khích thuộc về 5 tác phẩm Một bữa về nhà (tác giả Võ Đăng Khoa - Học viện Cảnh sát nhân dân, Hà Nội), Không tựa (tác giả Trần Duy Bảo Khang - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM), Bay lên vì sao cuối cùng (tác giả Nguyễn Minh Hoàng - Trường ĐH Công nghệ TP.HCM), Hồng tô thủ (tác giả Vũ Ngọc Đan Linh Trường THPT Chuyên KHXH&NV, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG Hà Nội), Cái bóng (tác giả Lương Quỳnh Bảo Ngọc - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM). 

    PGS.TS Nguyễn Đình Tứ - Chánh Văn phòng ĐHQG-HCM, và TS Lưu Trung Thủy - Phó Trưởng ban Ban Công tác Sinh viên ĐHQG-HCM, trao giải Ba cho các thí sinh.

    Các tác phẩm đoạt giải đã được ban tổ chức xuất bản thành ấn phẩm Khởi nghiệp văn chương do NXB ĐHQG-HCM ấn hành.

    Giải thưởng Văn học trẻ ĐHQG-HCM do ĐHQG-HCM chủ trì, Trường ĐH KHXH&NV tổ chức với sự đồng hành của Hội Nhà văn TP.HCM và Tạp chí Văn nghệ TP.HCM, nhằm khơi dậy năng lực sáng tạo nghệ thuật ngôn từ cho học sinh, sinh viên. 

    TS Phan Thanh Định - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, và ThS Trần Nam - Trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, trao giải Khuyến khích cho các thí sinh.

    Bài, ảnh: THU TRANG

    Phát động Giải thưởng Văn học trẻ ĐHQG-HCM lần III năm 2024

    Tại buổi lễ, TS Phan Thanh Định - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, đã phát động Giải thưởng Văn học trẻ ĐHQG-HCM lần III năm 2024. 

    “Qua các sáng tác, chúng ta có cơ hội lắng nghe và thấu hiểu thế giới tinh thần của thế hệ trẻ, đồng thời góp phần phát hiện những người trẻ có năng lực và niềm say mê sáng tạo ngôn từ, hình thành bước đi ban đầu của những nhà văn, nhà thơ tương lai. Ban tổ chức hy vọng cuộc thi tiếp tục thu hút đông đảo học sinh, sinh viên trên cả nước tham gia” - TS Định bày tỏ.

     

    Hãy là người bình luận đầu tiên