cá cược thể thao trực tuyến là gì - web cá độ thể thao uy tín

Sinh viên ĐHQG-HCM

14 năm làm “phụ tá” cho gánh ve chai của mẹ

  • 20/12/2023
  • Như thường lệ, sau khi rời khỏi cổng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, Gia Hân vội vã vượt quãng đường 20km trở về căn nhà đơn sơ ở quận Gò Vấp để bán ve chai, đỡ đần cho cơ thể đau bệnh của mẹ. Đây là công việc đã gắn bó với cô trong suốt 14 năm qua.

    Mồ côi ba từ năm 9 tuổi và từng trải qua hai lần bạo bệnh nhưng Nguyễn Vũ Gia Hân - sinh viên năm thứ 2, Khoa Đông phương học, chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ việc học. Vừa qua, nữ sinh đã trở thành nhân vật trong tập thứ 2 của chương trình “Ước mơ cho em” và được trao học bổng trị giá 80 triệu đồng. Đây là chương trình do Ban Khoa giáo Đài Truyền hình TP.HCM phối hợp Quỹ xã hội Bảo An thuộc Bộ Nội vụ thực hiện.

    Gia Hân ước mơ làm hướng dẫn viên du lịch sau khi tốt nghiệp. Ảnh: NVCC

    Hoãn học lớp 9 hai lần

    Nhìn dáng vẻ vui tươi, lạc quan hằng ngày của Gia Hân, ít ai biết rằng cô từng phải đối mặt với bệnh trầm cảm nghiêm trọng trong suốt 2 năm. Dường như, căn bệnh này xuất phát từ việc Hân phải hoãn học lớp 9 hai lần để thực hiện hai cuộc phẫu thuật u nang buồng trứng.

    “Đến bây giờ, mình vẫn không nhớ những gì xảy ra trong thời gian đó, chỉ được nghe qua lời mẹ kể thôi. Mẹ nói lúc đó 2 cộng 2 bằng mấy mà mình còn không biết tính, thậm chí mình còn đánh bác sĩ, cầm dao dí mẹ và nhốt mẹ ở ngoài đường vào ban đêm” - Gia Hân kể lại.

    Thời gian Hân bị bệnh cũng là những ngày tháng mẹ của nữ sinh ròng rã tìm mọi phương cách trị bệnh cho con. Dù bác sĩ chẩn đoán Hân mắc bệnh tâm thần nhưng mẹ của cô vẫn không từ bỏ và luôn đồng hành cùng con để vượt qua giai đoạn này.

    Hân không ngừng cảm thán về những chuyện đã xảy ra trong đời mình. Với cô, việc khỏi bệnh và có thể đến trường bình thường, vui vẻ như hiện tại là một kỳ tích đến từ tình thương của mẹ. Nữ sinh sinh năm 2002 cho rằng, nếu không có mẹ thì sẽ không có cô của ngày hôm nay. Gia Hân cũng chưa từng cảm thấy mình thua thiệt khi bị bệnh và học trễ 2 năm, vì khoảng thời gian đó cho cô cơ hội được ở bên mẹ nhiều hơn.

    Nghe Hân nhắc về lần thứ ba học lớp 9, chúng tôi hỏi cô có từng mặc cảm vì bản thân lớn hơn bạn đồng học 2 tuổi không? Vẫn nụ cười thường trực trên môi, Hân khẽ lắc đầu rồi nói: “Thầy cô rất hiểu hoàn cảnh của mình. Dù biết mình lớn hơn nhưng các bạn cùng lớp vẫn rất thoải mái, luôn quan tâm mình. Điều đó khiến mình cảm thấy bản thân không có sự khác biệt và dần thoát khỏi trạng thái tiêu cực”.

    Sau khi trở lại trường, Hân dần trở lại là một cô bé hoạt bát, năng động như trước đây. Cô cũng bắt đầu lên kế hoạch thực hiện những ước mơ thuở nhỏ, đầu tiên là thi đậu trường đại học yêu thích.

    Gia Hân nói thêm: “Trong những lần đi thu mua phế liệu với mẹ, mình có đi ngang Trường ĐH KHXH&NV cơ sở Đinh Tiên Hoàng. Lúc đó mình chỉ ngây thơ nghĩ trường nằm kế Đài Truyền hình TP.HCM thì chắc hẳn là ‘xịn’ lắm nên muốn thi vào thôi”. Cho đến khi học THPT, nữ sinh gốc Sài Gòn mới xác định thi vào ngành Đông phương học để thỏa mãn niềm yêu thích tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử.

    Chọn xét tuyển đại học bằng phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐHQG-HCM, Hân luôn nỗ lực học đều các môn và đạt điểm số cao. Mọi chuyện đều diễn ra thuận lợi cho đến khi dịch COVID-19 bùng phát, việc dạy và học chuyển sang hình thức trực tuyến. Lúc đó, mẹ Hân không thể đi làm, gia đình chỉ có thể chờ trợ cấp của địa phương. 3 chị em Hân đang học THPT phải dùng chung một chiếc laptop do mẹ mượn tiền mua được.

    “Học như vậy rất khó, vì khi đứa này học thì đứa kia phải xin nghỉ. May mắn là thầy cô cũng hiểu cho hoàn cảnh gia đình mình nên rất thông cảm” - Hân hồi tưởng.

    Nguyễn Vũ Gia Hân nhận học bổng “Ước mơ cho em” trị giá 80 triệu đồng. Ảnh: NVCC

    Dùng học bổng chữa bệnh cho mẹ

    Khi trúng tuyển vào ngành Đông phương học, Trường ĐH KHXH&NV, Gia Hân đã theo học chuyên ngành Trung Quốc học. Theo Hân, việc biết thêm một ngoại ngữ phổ biến ngoài tiếng Anh sẽ giúp cô có nhiều cơ hội hơn sau khi tốt nghiệp.

    Niềm vui đi đôi với nỗi lo tài chính. Ngay đầu năm học, Hân đã phải mượn tiền của hàng xóm để đóng học phí học kỳ I. Nữ sinh kể lại: “Ý nghĩ đầu tiên khi lên đại học là mình phải trả được khoản vay này càng sớm càng tốt. Mình đã ứng tuyển vào các chương trình học bổng phù hợp trên website của trường và may mắn nhận học bổng của Quỹ ước mơ Nam Miền Trung, được tài trợ học phí trong 4 năm học”.

    Nhờ sự giới thiệu của giáo viên THPT, Hân đăng ký thêm học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ. Đây cũng là cơ duyên để ban biên tập chương trình “Ước mơ cho em” biết đến và liên hệ với nữ sinh vào tháng 4/2023.

    Khi biết tin mình được nhận học bổng 80 triệu đồng và trở thành nhân vật trong tập thứ 2 của chương trình “Ước mơ cho em”, Gia Hân rất bất ngờ vì cho rằng bản thân may mắn hơn rất nhiều so với những bạn khác.

    “Trong chương trình, mỗi bạn có một khó khăn riêng. Nhưng điểm chung của chúng mình là không vì hoàn cảnh mà mặc cảm hay từ bỏ việc học. Thay vào đó, chúng mình xem nó là động lực để phấn đấu nhiều hơn. Thông qua chương trình, mình mong có thể truyền cảm hứng cho những bạn từng trầm cảm hoặc dừng việc học do gặp sự cố. Mình nghĩ rằng con đường học vấn không phân biệt tuổi tác, quan trọng là bạn có kiên định với nó hay không.” - Hân chiêm nghiệm.

    Về học bổng 80 triệu đồng, nữ sinh dự định dùng số tiền này để phụ mẹ trả nợ, trang trải học phí cho hai em và chữa bệnh cho mẹ. Một năm qua, Hân còn làm gia sư cho học sinh lớp 5, lớp 6 để san sẻ gánh nặng sinh hoạt phí với mẹ.

    Bên cạnh việc học, làm thêm, Gia Hân còn tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa. Hiện cô là Ủy viên Ban chấp hành Đoàn Khoa và là thành viên câu lạc bộ Công tác Xã hội của Khoa Đông phương học. Đặc biệt, nữ sinh rất thích tham gia các hoạt động tình nguyện.

    Hân chia sẻ: “Từ nhỏ, mẹ đã dạy mình rằng dù có nghèo cũng nên chia sẻ. Vừa rồi, mình đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Mình cũng từng tham gia Xuân Tình nguyện và chương trình “Tự tin đến trường”. Bản thân kém may mắn, nên mình rất muốn bù đắp phần nào đó cho những đứa trẻ có hoàn cảnh như mình”.

    Việc quá năng nổ và cầu toàn khiến nữ sinh luôn bận rộn. Hân ngại ngùng thú thật với chúng tôi rằng đôi lúc, cô cũng không thể cân bằng được mọi việc, kết quả học tập cũng không cao như mong muốn. Nói là vậy nhưng cô luôn cố gắng duy trì điểm trung bình trên 8,0 để đủ điều kiện xét các loại học bổng, danh hiệu.

    Vốn mong muốn làm hướng dẫn viên du lịch nên Gia Hân quyết tâm lấy được bằng HSK6 trong 2 năm tới. Cô còn dự định đi dạy tiếng Trung sau khi thi đậu chứng chỉ giảng dạy tiếng Trung để tích lũy thêm kinh nghiệm. Nếu có điều kiện, nữ sinh sẽ học lên cao hơn hoặc học thêm một ngôn ngữ mới như tiếng Nhật.

    Tương lai của Hân, bên cạnh việc theo đuổi ước mơ của riêng mình, cô nhắc nhiều về việc gánh vác gia đình thay mẹ. “Mình là chị lớn trong nhà” - Hân nói về điều này suốt cuộc trò chuyện. Thương mẹ, Gia Hân luôn tìm cách giấu nhẹm nỗi lo của mình sau những nụ cười. Ít ai biết rằng, cô gái nhỏ mạnh mẽ, lạc quan này cũng hay “lén lút” bật khóc vì mệt mỏi và áp lực.

    Hân tâm sự: “Những lúc đó, mình tự nhủ với bản thân là chỉ cần cố gắng thêm một chút nữa thôi. Mẹ đã hy sinh cho mình nhiều như vậy mà mình lại không vượt qua được khó khăn, áp lực của bản thân thì làm sao có thể phụ giúp mẹ và cáng đáng được những công việc trong tương lai”.

    HƯƠNG NHU - THU THẢO

    Luôn gánh vác mọi việc trong nhà

    Cô Vũ Thị Thanh Lan - mẹ của Nguyễn Vũ Gia Hân, chia sẻ: “Ở nhà, Hân là người con hiếu thảo, không quản ngại khó khăn. Con luôn gánh vác mọi việc trong nhà, đặc biệt là những lúc tôi hay các em phải đi bệnh viện”.

    Về chặng đường sắp tới, cô Lan mong con gái mình sẽ luôn mạnh khỏe để tiếp tục thực hiện những ước mơ còn dang dở và hơn nữa là có thể phụ giúp cô lo cho hai em.

     

    Hãy là người bình luận đầu tiên