cá cược thể thao trực tuyến là gì - web cá độ thể thao uy tín

Sinh viên ĐHQG-HCM

Chàng bác sĩ tốt nghiệp thủ khoa ngành Công nghệ Thông tin

  • 21/12/2023
  • “Đôi mắt cười” của Nguyễn Đại Nghĩa ánh lên vẻ hạnh phúc, tự tin của một người được “sống thật” với đam mê. Anh tâm tình: “Mình tự hào vì bản thân đã sống có trách nhiệm và hoàn thành tương đối trọn vẹn những hành trình đã qua”. Có lẽ vì thế mà Nghĩa không muốn người khác dùng từ “từ bỏ” khi nhắc về câu chuyện đời anh.

    Với 9,43 điểm, Nguyễn Đại Nghĩa đã trở thành thủ khoa tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM ở tuổi 29. Trước đó 4 năm, anh từng tốt nghiệp ngành Y khoa, Trường ĐH Y Dược TP.HCM.

    Nguyễn Đại Nghĩa là thủ khoa tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Ảnh: NVCC

    Thi đậu hai trường đại học danh tiếng

    Quá trình lớn lên của Nghĩa gắn liền với hình tượng “con ngoan trò giỏi”. Anh học giỏi toàn diện và thích nhất môn toán. Dù không học trường chuyên, nhưng Đại Nghĩa vẫn đoạt giải Ba cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay cấp Quốc gia vào năm lớp 12.

    Trong kỳ thi đại học năm 2012, Nghĩa thi đậu cùng lúc hai trường đại học danh tiếng là Trường ĐH Y Dược TP.HCM và Trường ĐH Ngoại Thương (Cơ sở II). “Lúc đó, mình chọn Y khoa vì nghĩ ngành này gần với khoa học cơ bản và hợp với khả năng của mình hơn. Ngẫm lại, hồi xưa mình chọn ngành theo guồng quay của thời đại chứ chưa hiểu bản thân nhiều” - Nghĩa hồi tưởng.

    “Chân ướt chân ráo” vào TP.HCM nhập học, chàng trai quê Đắk Lắk mất rất nhiều thời gian để làm quen với môi trường mới. Chưa kể, khối lượng bài vở và cách học mới ở đại học cũng khiến Nghĩa khá lúng túng. Những năm đầu học các môn đại cương, Nghĩa vẫn thấy ổn vì anh thích học các môn khoa học cơ bản. Nhưng khi học đến các môn cơ sở ngành và chuyên ngành, nam sinh lờ mờ nhận ra có sự khác biệt.

    Đến năm thứ 3, sau khi đi lâm sàng ở bệnh viện, Nghĩa càng thấy đặc thù ngành học và yêu cầu của môn học không giống với tính cách, năng lực, nguyện vọng của bản thân.
    Anh bộc bạch: “Học y cần ghi nhớ khối lượng kiến thức rất lớn, liên tục thực hành trong môi trường bệnh viện với áp lực cao. Dù vẫn đáp ứng yêu cầu tối thiểu của môn học, nhưng mình biết giữa chuyện qua môn và trở thành một bác sĩ có tay nghề cao là khoảng cách rất xa”.

    Nghĩa chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ ngang việc học, bởi Nghĩa không cho phép bản thân vì khó khăn mà nản chí. Cứ thế, anh tốt nghiệp và đi học việc tại bệnh viện. Thời gian đó khiến anh dần thấy rõ hơn mình chưa đủ tâm huyết, yêu nghề. Anh vẫn canh cánh về năng lực khoa học tự nhiên và niềm đam mê thực sự của mình.

    “Mình vẫn có thể làm một bác sĩ nhưng mình muốn làm tốt chứ không chỉ ở mức đạt. Bệnh nhân cần một bác sĩ giỏi, tận tâm, chứ không phải là một người cố gắng hoàn thành nghĩa vụ” - Đại Nghĩa bắt đầu hành trình “làm lại” cuộc đời, tìm kiếm đam mê thật sự của mình từ ý nghĩ này.

    Nhận thấy thời điểm năm 2018, thế giới chuyển đổi số và lĩnh vực công nghệ thông tin đang phát triển mạnh, Nghĩa quyết định giấu gia đình, xin nghỉ việc ở bệnh viện để ôn thi lại vào ngành công nghệ thông tin. Nhờ duy trì công việc dạy thêm toán, lý, hóa từ năm thứ nhất đại học, Nghĩa ôn tập rất thuận lợi và trúng tuyển vào Chương trình Cử nhân Tài năng nhóm ngành Máy tính và Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM bằng phương thức thi đánh giá năng lực (ĐGNL) với số điểm thuộc tốp 3 của trường (1.052 điểm). 

    Nguyễn Đại Nghĩa được vinh danh tại Hội nghị Tổng kết Chương trình Sinh viên NCKH - Công nghệ của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Ảnh: NVCC

    Đoạt giải Nhất cuộc thi Euréka

    “Đi sau nhưng sẽ cố gắng đi với vận tốc cao” là điều mà Đại Nghĩa tâm niệm trong thời gian học tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Ở đây, Nghĩa được quay về với sở thích suy luận và học những môn đòi hỏi sự sáng tạo, nên anh đã có điểm tổng kết cao nhất lớp ngay năm đầu tiên.

    “Thú thật ban đầu mình hơi ‘ngợp’ khi lớp có nhiều học sinh giỏi quốc gia và học sinh trường chuyên. Sau khi nói chuyện, mình thấy họ rất vui vẻ, nhiệt tình. Giống như 6 năm học y bị ‘nén lại’, giữa mình và mọi người không hề có khoảng cách. Thêm vào đó, thầy cô cũng tâm huyết và quan tâm sinh viên nên mình thấy môi trường tốt hơn mong đợi rất nhiều” - chàng trai sinh năm 1994 bày tỏ. 

    Tưởng chừng Nghĩa có thể đi thẳng đến đích nhưng dịch COVID-19 bỗng bùng phát và làm xáo trộn mọi thứ. Khi ba mẹ chuyển lên thành phố sống cùng, hằng ngày Nghĩa phải “đóng vai” một bác sĩ sáng đi làm, tối đi trực.

    Anh kể: “Thời gian ‘trốn’ nhà đi lang thang cũng là lúc mình chìm trong sự hoài nghi bản thân. Mình phải giấu gia đình đi dạy thêm, tiền thì chỉ đủ ăn, không mua được cho mẹ chiếc áo mới. Việc học dở dang cùng áp lực đồng trang lứa khiến mình nghĩ bản thân lớn rồi, không nên mơ mộng nữa”.

    Sự tiêu cực bị thổi phồng đã thôi thúc Nghĩa hoãn thi học kỳ I năm thứ 2 để xin học việc lại tại bệnh viện. Mọi thứ sau đó diễn ra hệt như lần học việc đầu tiên. Điều này giúp Nghĩa xác tín hơn với quyết định ngày xưa: đó là kết quả của quá trình tự nhận thức chứ không phải là sự bồng bột! 

    Theo Nghĩa, có một lần tạm dừng như vậy mới khiến anh tái củng cố niềm tin và vững vàng hơn về sau. Ngay lập tức, anh trở lại cuộc sống sinh viên, vừa học các môn của năm thứ 3, vừa “trả nợ” các môn đã hoãn thi trước đó.

    Năm thứ 4, anh bắt đầu nghiên cứu khoa học (NCKH) với hướng kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng lý thuyết y khoa. Đề tài đầu tiên cũng là khóa luận tốt nghiệp đạt điểm 10 của anh có tên là Kết hợp học máy với kiến thức y khoa trong nhận diện một số bất thường phim X-quang ngực thẳng.

    Nhờ đề tài khóa luận đạt điểm tuyệt đối và thành tích học tập luôn nằm trong tốp đầu, Nghĩa tốt nghiệp với 9,43 điểm và trở thành thủ khoa ngành Công nghệ Thông tin. Anh thổ lộ: “Mình đã thưa chuyện học lại với ba mẹ vào cuối năm thứ 3 khi bản thân đã phần nào tự tin hơn vì có kết quả học tập tương đối tốt và vừa xin được công việc phát triển phần mềm cho một doanh nghiệp. Danh hiệu thủ khoa lại một lần nữa chứng minh với gia đình rằng mình đang đúng hướng”. 

    Ngay khi nhận kết quả tốt nghiệp vào tháng 11/2023, Nghĩa biết tin đề tài khóa luận được chấp thuận đăng tại Hội nghị quốc tế về Công nghệ Thông tin và Truyền thông. Sau đó, nhóm anh cũng đoạt giải Nhất cuộc thi NCKH Sinh viên Euréka với đề tài trên. Nghĩa cho hay, giải thưởng này là một cái kết đẹp cho thời sinh viên và giúp anh tự tin hơn về năng lực, định hướng nghiên cứu của mình. 

    Hiện tại, Đại Nghĩa làm việc tại Phòng Thí nghiệm Công nghệ Phần mềm, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và học thạc sĩ ngành Khoa học Máy tính. Anh vẫn theo đuổi hướng nghiên cứu tiềm năng về y tế. Nếu có cơ hội, anh muốn thử giải quyết nhiều bài toán công nghệ chứ không chỉ bó buộc bản thân vào một lĩnh vực.

    Nhìn lại hai lần làm sinh viên, Nghĩa không còn gì nuối tiếc vì anh đã sống hết mình trong từng hành trình. “Hồi trước, mình tạm gác những áp lực đồng trang lứa để làm sinh viên. Giờ đã tới lúc mình phải thực hiện các trách nhiệm đúng với lứa tuổi của mình rồi” - Nghĩa chiêm nghiệm.

    HƯƠNG NHU - THU THẢO

    Là người có khả năng lãnh đạo

    Huỳnh Ngô Trung Trực - bạn cùng lớp của Nguyễn Đại Nghĩa, cho biết anh rất ấn tượng với sự dũng cảm theo đuổi đam mê và khả năng tư duy nhanh nhạy của Nghĩa. Trực thấy danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp và giải Nhất cuộc thi Euréka là sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực của Nghĩa trong 4 năm qua.

    Trong nhiều lần học tập, thi đấu chung nhóm, điều Trực thấy thích nhất ở Nghĩa là sự cần cù và khả năng lãnh đạo. “Năm thứ nhất đại học, tụi mình cùng tham gia cuộc thi Thách Thức do trường tổ chức. Lúc đó, anh Nghĩa là trưởng nhóm và cũng là người củng cố tinh thần đoàn kết để nhóm đạt kết quả tốt nhất” - Trực kể lại.

     

    Đạt trên 1.000 điểm ở hai đợt thi ĐGNL

    Ở hai đợt thi ĐGNL năm 2019, Nguyễn Đại Nghĩa đều đạt trên 1.000 điểm với số điểm lần lượt là 1.018 và 1.052. Theo nam sinh, đề thi ĐGNL rất toàn diện, không có nhiều câu hỏi đánh đố, phù hợp với người học đều như anh. Phần giải quyết vấn đề gồm các môn tự nhiên, xã hội cũng không yêu cầu học thuộc lượng lớn kiến thức mà chú trọng khả năng đọc - hiểu, khai thác kiến thức mới từ bài đọc được cung cấp.

    Nghĩa cho hay: “Mình ôn thi ĐGNL trong 3 tháng, mỗi ngày khoảng 2-3 tiếng. Vì cấu trúc đề có ⅓ là toán logic nên mình chỉ cần tập trung nhiều vào phần chưa mạnh là ngôn ngữ. Hơn nữa, thời gian học y cũng rèn cho mình khả năng đọc - hiểu tốt nên không gặp khó khăn trong phần kiến thức chung”.

     

    Hãy là người bình luận đầu tiên