Tên đề tài: Sự biến động giá trị văn hóa ở đô thị Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (trường hợp Hà Nội)
Chuyên ngành: Văn hóa học
Mã số: 9229040
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Thuý Vy
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Văn Kha
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt nội dung luận án (abstract)
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là khoảng thời gian mà văn hóa phương Tây có ảnh hưởng mạnh đối với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Á. Để tồn tại, các quốc gia ở khu vực Đông Á - trong đó có Việt Nam - đều phải tiến hành “Âu hóa”, tiếp thu các yếu tố của văn hóa phương Tây. Ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, quá trình Âu hóa khởi đầu từ sự biến động trong lĩnh vực văn hóa nhận thức, rồi chuyển sang các lĩnh vực văn hóa tổ chức và văn hóa ứng xử. Ảnh hưởng của sự giao lưu - tiếp biến đối với văn hóa bản địa bao giờ cũng có hai mặt: tích cực và tiêu cực. Bên cạnh mặt tích cực là sự hình thành các giá trị mới và đổi mới văn hóa dân tộc thì ở mặt tiêu cực, những giá trị của văn hóa dân tộc đã ít nhiều bị đảo lộn, cái xấu có sẵn đã thừa cơ bùng phát lên, cái xấu từ bên ngoài có dịp tràn vào theo.
Kết quả nghiên cứu trình bày trong luận án cho thấy nhân tố có vai trò quyết định chi phối sự biến động giá trị của Hà Nội trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là sự khác biệt về loại hình văn hóa. Văn hóa Việt Nam (gốc nông nghiệp âm tính) và văn hóa Pháp (gốc du mục dương tính) thuộc hai loại hình hoàn toàn trái ngược nhau. Mỗi loại hình đều có chỗ mạnh riêng của mình, song chỗ mạnh của văn hóa Việt Nam (chất nông nghiệp âm tính với những đặc trưng như tính cộng đồng, tính linh hoạt…) chỉ phát huy được tác dụng ở xã hội nông thôn với mục đích hướng tới ổn định; khi chuyển sang xã hội đô thị với mục đích hướng tới phát triển thì đã không còn thích hợp, thậm chí còn trở thành chỗ yếu. Điều may mắn là những chỗ yếu này của đô thị Việt Nam đã được văn hóa phương Tây bù đắp (vì đó chính là những điểm mạnh của phương Tây thuộc loại hình văn hóa thiên về dương tính). Khi chỗ yếu của loại hình văn hóa thiên về âm tính Việt Nam và chỗ mạnh của loại hình văn hóa thiên về dương tính phương Tây gặp nhau, chúng đã trở thành nơi tập trung sự biến động giá trị mạnh mẽ nhất và nổi bật nhất.
Việc nghiên cứu sự biến động giá trị văn hóa ở đô thị Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (trường hợp Hà Nội) cho phép rút ra ba chân lý đơn giản: Một là, sự giao lưu tiếp biến giữa hai nền văn hóa sẽ mang lại hiệu quả cao nhất khi chỗ yếu của nền văn hóa này là chỗ mạnh của nền văn hóa kia. Hai là, muốn bảo tồn giá trị (giữ chất) thì phải giữ chuẩn. Ba là, muốn phát triển đi lên thì chuẩn mực phải cao hơn so với thực trạng; nếu hạ chuẩn thì sự biến động theo chiều hướng tiêu cực (đi xuống) là không thể tránh khỏi.
2. Những kết quả của luận án
2.1. Về phương diện khoa học
Luận án có đóng góp trong việc điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện cách hiểu các khái niệm chìa khóa như sự biến động giá trị, đô thị, văn hóa đô thị; trong việc phân biệt văn hóa đô thị với văn hóa nông thôn. Từ góc độ văn hóa học, luận án lý giải một cách hệ thống, toàn diện về nguyên nhân cũng như hệ quả của quá trình biến động giá trị văn hóa ở đô thị Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Luận án bổ sung tư liệu nghiên cứu trường hợp có ý nghĩa cho hướng nghiên cứu giá trị học kết hợp với loại hình văn hóa, văn hóa sử và văn hóa so sánh. Luận án giúp nhận thức rõ và đánh giá một cách khách quan về sự biến động giá trị văn hóa ở Hà Nội nói riêng và đô thị Việt Nam nói chung trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
2.2. Về phương diện thực tiễn
Kết quả của luận án có thể dùng làm cơ sở so sánh sự biến động giá trị văn hóa ở đô thị Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX thông qua trường hợp Hà Nội với sự biến động hệ giá trị văn hóa người Việt trong giai đoạn hội nhập và toàn cầu hóa, từ đó rút ra những định hướng để tham khảo cho giai đoạn hiện nay. Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực giao lưu - tiếp biến văn hóa (lớp văn hóa giao lưu với phương Tây) ở Việt Nam nói chung và đô thị Việt Nam nói riêng.
3. Những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Trong tương lai, công trình này có thể tiếp tục nghiên cứu, phát triển theo hướng mở rộng hoặc chuyên sâu. Đề tài có thể mở rộng theo hướng nghiên cứu so sánh đặc trưng sự biến động giá trị văn hóa khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây ở Việt Nam với Nhật Bản là hai quốc gia thuộc hai loại hình văn hóa khác biệt, hay giữa Việt Nam với Thái Lan là hai quốc gia thuộc cùng một loại hình văn hóa; hay giữa các vùng miền của Việt Nam để kiểm nghiệm, đúc kết về những nhân tố giữ vai trò quyết định chi phối sự biến động giá trị văn hóa ấy như thế nào. Đề tài cũng có thể đi sâu vào khía cạnh nghiên cứu sự biến động giá trị văn hóa trong từng lĩnh vực thuộc các bình diện văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức, văn hóa ứng xử của người Việt.
Hãy là người bình luận đầu tiên