Tên đề tài LATS: Hoàn thiện pháp luật quản trị công ty cổ phần đại chúng ở việt nam hiện nay
Chuyên ngành: Luật kinh tế
Mã số: 62.38.01.07
Họ tên NCS: Châu Quốc An
Mã số NCS: NCS801071455
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, cá cược thể thao trực tuyến là gì
.HCM
1. Tóm tắt luận án
Gần bốn thập kỷ chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường với những cải cách thận trọng, nền kinh tế Việt Nam có những chuyển biến rõ nét, dù vẫn còn tồn tại nhiều vết tích của nền kinh tế bao cấp. Đó là nền kinh tế mà phần lớn các doanh nghiệp có quy mô lớn đều có nguồn gốc từ vốn nhà nước, chỉ một số nhỏ doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu tư nhân; công ty cổ phần đại chúng (công ty đại chúng) dù được đại chúng hóa nhưng số doanh nghiệp mà nhà nước nắm cổ phần chi phối còn nhiều, các công ty đại chúng có quy mô vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng lớn, cơ cấu sở hữu trong công ty có mức độ tập trung cao. Mâu thuẫn nội bộ chủ yếu là mâu thuẫn giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ. Tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu cao, thậm chí có công ty gấp hơn chục lần. Thị trường chứng khoán chưa thực sự phát triển như kỳ vọng, thông tin thị trường thiếu chuẩn mực so với các thị trường phát triển, chưa hỗ trợ hữu hiệu cho hoạt động kiểm soát hành vi của người quản lý điều hành công ty. Với những tác động của các yếu tố kinh tế, chính trị, truyền thống pháp lý, pháp luật vẫn còn có xu hướng can thiệp cứng nhắc nhiều vào hoạt động quản trị nội bộ công ty, chưa xem xét đúng mức vai trò điều chỉnh của thị trường, bỏ qua sự quan tâm cần thiết về việc đảm bảo quyền tự chủ quản lý của doanh nghiệp, cũng như thiếu tính động viên cần thiết để công ty đại chúng chủ động thiết kế cơ cấu quản trị phù hợp với yêu cầu riêng của mình. Hoạt động xây dựng và cải tổ pháp luật quản trị công ty đại chúng chưa thực sự chú trọng đến việc tiết kiệm chi phí thực thi, chưa cân xét hợp lý giữa chi phí thực thi pháp luật và chi phí đáp ứng các quy tắc thị trường để xây dựng mô hình mô hình quản trị công ty phù hợp. Bên cạnh đó, văn hóa “sùng ngoại” và sức ép hội nhập đã ít nhiều làm cho một số quy định bị dập khuôn theo quy định của các quốc gia phát triển, kém tương thích với bối cảnh của Việt Nam.
Để tương thích với các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa và truyền thống pháp lý, Việt Nam nên chọn mô hình quản trị công ty tích hợp. Đây là mô hình tích hợp giữa mô hình quản trị công ty dựa vào thị trường bên ngoài và mô hình quản trị công ty dựa vào bên trong, mà mục tiêu hướng tới là trọng tâm bảo vệ quyền lợi cổ đông trên cơ sở hài hòa hóa quyền lợi của các bên liên quan trọng yếu khác là chủ nợ và người lao động. Pháp luật chỉ quy định chuẩn mực tối thiểu làm cơ sở để đảm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên. Những chuẩn mực cao hơn theo đòi hỏi của thị trường sẽ được Ủy ban chứng khoán thể chế hóa thành bộ quy tắc quản trị công ty điều chỉnh theo cơ chế “tuân thủ hoặc giải trình”, cho phép công ty lựa chọn biện pháp thay thế trên cơ sở đảm bảo chức năng và mục tiêu điều chỉnh. Bộ quy tắc này được thiết kế linh hoạt theo tỷ lệ tương xứng với quy mô, cơ cấu sở hữu, loại cấu trúc quản trị nội bộ, tình trạng niêm yết.
Để áp dụng thành công mô hình tích hợp trên, pháp luật quản trị công ty đại chúng cần cải thiện cơ cấu quản trị nội bộ, thúc đẩy hiệu quả vai trò giám sát của các lực lượng thị trường, kết hợp cơ chế giám sát bên trong và bên ngoài để hạn chế giao dịch có nguy cơ tư lợi, xây dựng cơ chế động viên tiếp nhận thông tin từ người lao động và ngân hàng chủ nợ trong nỗ lực hạn chế sự bất cân xứng thông tin và giảm bớt chi phí thông tin, đồng thời điều chỉnh đồng bộ các quy định pháp luật có liên quan để hướng tới xây dựng cơ chế phát hiện sớm những bất ổn tài chính của công ty, đảm bảo quyền cơ bản của ngân hàng chủ nợ trong hoạt động tái cấu trúc và giải quyết phá sản công ty.
Việc cải thiện cơ cấu quản trị nội bộ công ty được điều chỉnh phù hợp với từng loại mô hình quản trị nội bộ. Đối với mô hình có Ban Kiểm soát thì cần đảm bảo tính độc lập của Ban Kiểm soát với Hội đồng quản trị và Giám đốc. Khi đó, song song việc nâng cao quyền hạn và trách nhiệm của Ban Kiểm soát, những yêu cầu về số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập có thể được thay thế giảm bớt bởi số lượng thành viên Ban Kiểm soát có cùng chức năng. Bên cạnh đó, phát huy vị trí vai trò của Ban Kiểm soát trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đối với mô hình không có Ban Kiểm soát, ngoài việc nâng cao vị trí, vai trò của Ủy ban kiểm toán, điều chỉnh cơ chế bầu và ban hành quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán; điều chỉnh tỷ lệ thành viên Hội đồng quản trị độc lập trong Ủy ban kiểm toán theo quy mô, mức độ tập trung sở hữu và tình trạng niêm yết; quy định trách nhiệm giải trình về việc không đáp ứng yêu cầu về tính độc lập của thành viên Hội đồng quản trị; điều chỉnh ngưỡng cổ phần của cổ đông để đánh giá tính độc lập của thành viên Hội đồng quản trị cũng như bổ sung quy định để nâng cao tính độc lập thực chất của thành viên Hội đồng quản trị. Song song đó, đơn giản hóa quy trình thủ tục quản trị nội bộ, phát huy vai trò tích cực của cổ đông lớn và quy trách nhiệm vật chất của họ đối với hành vi ảnh hưởng đến tính độc lập của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc gây thiệt hại cho công ty cũng như thiết lập các quy định kiểm soát chặt chẽ trong trường hợp sự tập trung cổ phần vượt quá ngưỡng xãy ra hiệu ứng ngăn chặn; kiện toàn cơ chế ra quyết định, thực thi và kiểm soát các quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
Việc thúc đẩy hiệu quả điều chỉnh của thị trường cổ phiếu lên hoạt động quản trị công ty, pháp luật quản trị công ty đại chúng hướng tới điều chỉnh: (i) tăng cường hiệu quả hoạt động công bố và minh bạch thông tin; (ii) nâng cao tính độc lập và hiệu quả hoạt động của Kiểm toán viên độc lập bên ngoài; (iii) phát huy hiệu quả cơ chế khuyến khích vai trò giám sát của cổ đông bên ngoài trên cơ sở hài hóa lợi ích giữa cổ đông nhỏ và cổ đông lớn; (iv) thúc đẩy trách nhiệm của cổ đông định chế và nhà đầu tư nắm cổ phần ở nhiều công ty có khả năng xung đột lợi ích; (v) thiết lập lập tổ chức bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số; (vi) cân bằng lợi ích trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước đáp ứng yêu cầu của thị trường và hội nhập.
2. Những kết quả mới của luận án
So với các công trình nghiên cứu trước đó về pháp luật quản trị công ty đại chúng của Việt Nam, Luận án có những điểm mới như sau:
Về cách tiếp cận:
Thứ nhất, Luận án tiếp cận vấn đề nghiên cứu dưới giác độ hệ thống, đặt chúng trong cùng một hệ thống quản trị công ty thống nhất, hoạt động đồng bộ nhịp nhàng. Cụ thể là, luận án phân tích một cách hệ thống các yếu tố tác động có mối quan hệ tương hỗ với nhau và hệ quả tác động của chúng lên pháp luật quản trị công ty đại chúng của Việt Nam, xem xét vấn đề nghiên cứu trong sự vận động đồng bộ của cả cơ chế quản trị bên trong lẫn cơ chế điều chỉnh bên ngoài. Từ đó làm cơ sở cho việc phân tích bản chất vấn đề cần giải quyết trong pháp luật quản trị công ty đại chúng, cũng như đánh giá khả năng vận dụng học thuyết kinh tế và pháp lý để lựa chọn phương thức điều chỉnh, cách thiết kế ra hệ thống các quy định, cơ chế kiểm soát và định hướng công ty đại chúng phù hợp với bối cảnh thực tại của Việt Nam, phản ánh đặc trưng cơ bản của hệ thống quản trị công ty, bao gồm trọng tâm và định hướng chủ yếu của hoạt động giám sát và kiểm soát, lợi ích theo đuổi, chủ thể chủ yếu cần được bảo vệ lợi ích từ quyết định của người quản lý, điều hành công ty, cấu trúc của hệ thống quản trị công ty. Hay nói cách khác là lựa chọn mô hình quản trị công ty đại chúng tương thích. Trên cơ sở đó, hoàn thiện một số quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật quản trị công ty đại chúng một cách toàn diện.
Thứ hai, Luận án tiếp cận theo hướng xem xét những chi phí và lợi ích kinh tế - xã hội của việc điều chỉnh pháp luật quản trị công ty đại chúng, sao cho chúng vừa đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực, phát triển thị trường vốn, hạn chế chi phí xã hội và chi phí giao dịch của công ty; xem xét việc điều chỉnh pháp luật quản trị công ty đại chúng Việt Nam trong mối quan hệ với khả năng tự điều chỉnh của thị trường gắn với vai trò và mục tiêu tồn tại của công ty trong nền kinh tế - xã hội.
Về nội dung đóng góp mới: Luận án đã đóng góp cho khoa học pháp lý Việt Nam những điểm mới sau:
Thứ nhất, cùng với việc làm rõ nội hàm của khái niệm quản trị công ty, mô hình quản trị công ty, pháp luật quản trị công ty đại chúng, luận án bổ sung cho khoa học pháp lý Việt Nam những luận cứ khoa học về việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật quản trị công ty đại chúng một cách hệ thống và toàn diện. Đó là những yếu tố mà pháp luật quản trị công ty đại chúng Việt Nam cần phải xem xét, đảm bảo khả năng tương thích để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nâng cao hiệu quả thực thi và giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp.
Thứ hai, thông qua việc phân tích, đánh giá những yếu tố tác động, luận án xác định nhu cầu của thực tiễn và bản chất chính yếu của vấn đề cần điều chỉnh của pháp luật Việt Nam về quản trị công ty đại chúng, góp phần làm sáng tỏ và bổ sung cho những luận cứ thiết kế và hoàn thiện pháp luật quản trị công ty đại chúng Việt Nam. Đó là mâu thuẫn chủ yếu giữa cổ đông lớn kiểm soát hoạt động quản lý và cổ đông nhỏ, chứ không phải là mâu thuẫn giữa người quản lý không nắm cổ phần của công ty và cổ đông nhỏ bên ngoài như ở các nước thuộc truyền thống Thông luật (Common law tradition) mà một số quy phạm pháp luật thực định Việt Nam đã hướng tới. Trong đó, luận án ghi nhận vai trò tích cực của cổ đông lớn đối với hoạt động giám sát và hiệu quả hoạt động của các công ty ở Việt Nam, cũng như thừa nhận hiệu ứng ngăn chặn trong một số trường hợp khi cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm một tỷ lệ cổ phần có thể kiểm soát việc ra Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và ảnh hưởng tuyệt đối lên quyết định của Hội đồng quản trị. Ngược lại, cũng cho thấy những hạn chế của cổ đông nhỏ trong việc thúc đẩy các lợi ích dài hạn của công ty. Điều này khác với những nghiên cứu trước đây cổ súy cho việc thúc đẩy một cơ cấu sở hữu phân tán, tăng cường quyền của cổ đông nhỏ và bỏ qua những hạn chế từ việc lạm quyền của cổ đông nhỏ gây tổn hại đến lợi ích dài hạn của công ty, cũng như việc thiếu công bằng trong việc gánh chịu chi phí giám sát.
Thứ ba, bằng việc xem xét, so sánh, đánh giá từng yếu tố tác động lên hiệu quả thực thi pháp luật quản trị công ty đại chúng cũng như kinh nghiệm giải quyết của các nước, luận án đề xuất kiện toàn mô hình quản trị công ty đại chúng phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, góp phần tăng cường hiệu quả điều chỉnh pháp luật quản trị công ty đại chúng, phát huy vai trò điều chỉnh của thị trường và quyền tự chủ kinh doanh của công ty. Đó là mô hình tích hợp giữa mô hình quản trị công ty dựa vào cấu trúc bên trong và mô hình quản trị công ty dựa vào thị trường với cơ chế “tuân thủ hoặc giải trình” và cho phép thay thế theo chức năng. Nói cách khác, khác với kiểu lắp ghép cơ học các cấu trúc quản trị nội bộ, mô hình mới tích hợp giữa cơ chế điều chỉnh của pháp luật và điều chỉnh của thị trường như một hệ thống vận hành thống nhất, nhịp nhàng nhằm nâng cao hiệu quả điều chỉnh của thị trường bù đắp cho những cứng nhắc của pháp luật và đảm bảo tốt hơn quyền tự do kinh doanh của công ty. Theo đó, ngoài đáp ứng những chuẩn mực tối thiểu được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, tùy theo điều kiện thực tế, công ty có thể chủ động thực hiện những yêu cầu cao hơn của Bộ quy tắc quản trị công ty linh hoạt do Ủy ban chứng khoán Nhà nước ban hành, hoặc áp dụng về các biện pháp khác thay thế theo chức năng thực hiện của cơ quan trong công ty để đáp ứng mục tiêu điều chỉnh của Bộ quy tắc quản trị công ty và giải trình với Ủy ban chứng khoán. Đương nhiên, Bộ quy tắc này chỉ là sự cụ thể hóa các yêu cầu của thị trường phù hợp với quy định của các luật liên quan.
Thứ tư, luận án khuyến nghị một hệ thống các giải pháp pháp lý mới và đồng bộ góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam tương thích điều kiện thực tế của Việt Nam, phù hợp với mô hình quản trị công ty đại chúng được đề xuất. Trong cơ cấu quản trị nội bộ công ty, luận án đề xuất áp dụng cơ chế linh hoạt theo tỷ lệ tương xứng. Theo đó, số lượng thành viên độc lập của Hội đồng quản trị, quy mô giao dịch với người có quyền lợi liên quan cần kiểm soát và cơ chế kiểm soát giao dịch nội bộ được điều chỉnh theo mô hình quản trị nội bộ, quy mô vốn, cơ cấu sở hữu, tình trạng niêm yết; quy định ngưỡng tỷ lệ sở hữu cổ phần hợp lý để xác định tính độc lập của thành viên Hội đồng quản trị theo quy mô vốn. Bên cạnh đó, luận án cũng thừa nhận hiệu quả giám sát của thành viên Ban Kiểm soát nắm cổ phần của công ty và cổ đông lớn bằng việc điều chỉnh các quy định có liên quan. Luận án đề xuất điều chỉnh những tiêu cực của cổ đông hoặc khối cổ đông kiểm soát lên quyết định của Hội đồng quản trị gây thiệt hại cho công ty bằng việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của họ; yêu cầu công bố chính sách bỏ phiếu của cổ đông lớn nắm giữ cùng lúc phần lớn cổ phần ở nhiều công ty có lợi ích xung đột. Ngoài ra, luận án cũng khuyến nghị các quy định nhằm động viên các công cụ bên ngoài hỗ trợ thị trường điều chỉnh hành vi của người quản lý, góp phần giảm bớt chi phi thực thi pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty.
Thứ năm, luận án khuyến nghị các giải pháp pháp lý cụ thể nhằm hài hòa hóa quyền lợi của các bên liên quan chủ chốt gắn liền với lợi ích dài hạn của công ty, xem đó như một phần trách nhiệm xã hội của công ty và giúp công ty gia tăng giá trị vốn xã hội của mình. Đó là các giải pháp pháp lý giúp người lao động và người cấp vốn tín dụng sớm phát hiện và ngăn chặn rủi ro, bảo vệ lợi ích chính đáng của họ, cũng như đảm bảo khả năng tham gia hỗ trợ của các chủ thể này trong quá trình giảm sự bất cân xứng thông tin, góp phần giảm bớt chi phí giám sát.
Thứ sáu, thông qua việc nghiên cứu mô hình quản trị công ty đại chúng của các nước có cơ cấu sở hữu tập trung và phần vốn nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sở hữu, luận án cũng dự báo về khả năng người đại diện phần vốn chi phối của nhà nước ở công ty có thể lạm dụng quyền để sử dụng tài sản của công ty cho mục tiêu chính trị của cá nhân trái với mong muốn của phần lớn cổ đông, hoặc lạm dụng vị thế chính trị tham gia hoạch định các chính sách để qua đó gây bất lợi cho các nhà đầu tư khác; phát hiện những bất cập trong việc đảm bảo quyền lợi của cổ đông ngay tình sau khi nhà nước thu hồi tài sản thất thoát từ vụ án liên quan đến những sai phạm của cơ quan nhà nước. Đồng thời khuyến nghị các giải pháp pháp lý nhằm hạn chế tình trạng trên.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Đề tài góp phần làm sáng tỏ một cách hệ thống những lý luận nền tảng về pháp luật quản trị công ty đại chúng, đặc biệt là các yếu tố tác động đến pháp luật quản trị công ty đại chúng, cũng như nhu cầu và nội dung điều chỉnh của pháp luật quản trị công ty đại chúng. Qua đó, tạo tiền đề lý luận cho việc kiện toàn các quy phạm pháp luật thực định về quản trị công ty đại chúng ở Việt Nam.
Thông qua việc xây dựng bức tranh tổng quát về nhu cầu của thực tiễn đối với pháp luật quản trị công ty đại chúng ở Việt Nam, đề tài cung cấp cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện các quy định pháp luật quản trị công ty đại chúng của Việt Nam.
Trên cơ sở những luận cứ khoa học trên, đề tài khuyến nghị mô hình quản trị công ty, phương thức điều chỉnh của pháp luật quản trị công ty đại chúng và giải pháp hoàn thiện một số quy định có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật quản trị công ty đại chúng.
Hãy là người bình luận đầu tiên