cá cược thể thao trực tuyến là gì - web cá độ thể thao uy tín

Tin tổng hợp

Người thầy thầm lặng ở Khoa Y

  • 13/11/2019
  • “Không phải mình theo nghề mà là nghề theo mình. Ngày xưa chú từng lăn lộn với đời, rồi được một người anh giới thiệu vô làm. Ban đầu chú rất sợ nhưng sau nhờ một người thầy hướng dẫn tận tình nên chú mới trụ lại đến nay”. Đó là chia sẻ của chú Mười Thua về công việc thầm lặng và đặc biệt của mình - nghề nhận xác hiến.

    Chú Mười trao đổi với sinh viên Khoa Y ĐHQG-HCM trước giờ thực hành phẫu tích.

    Khổ bao nhiêu cũng không tiếc

    Chú Mười - tên thật là Phạm Ngọc Thua, nay đã ngoại ngũ tuần. Chú gắn bó với nghề đi nhận xác hiến hơn 15 năm, từ lúc làm việc tại Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế TP.HCM, nay là Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Khi Khoa Y ĐHQG-HCM thành lập, chú được mời về để quản lý Phòng Thực hành giải phẫu.

    Những ngày đầu về khoa, Phòng Thực hành giải phẫu thiếu thốn trăm bề mà nghề của chú luôn phải tiếp xúc với thi hài, hóa chất độc hại, còn vật dụng bảo hộ chỉ vỏn vẹn chiếc khẩu trang, đôi bao tay. Chú tâm sự: “Mình từng chao đảo về tinh thần, nhưng nghĩ lại sinh viên mình đã thiệt thòi hơn so với các trường bạn mà mình lại bỏ đi thì sau này các em biết dựa vào đâu”.

    Chú Mười kể, việc nhận xác hiến ít khi diễn ra vào ban ngày, toàn lúc 1-2 giờ đêm, có khi 3 giờ đêm nên chú thường thức trắng để xử lý. Nhận xong, chú phải tắm rửa thi hài sạch sẽ, tiếp đến pha thuốc theo đúng trình tự và tùy vào mức độ bệnh nặng hay nhẹ, hóa chất sẽ thêm cái này, bớt cái kia cho hợp lý. Sau đó, chú tiêm thuốc vào thi hài để bảo quản các mô, cơ quan nội tạng một cách tốt nhất rồi đưa vào nhà đông -17°C. Độ sau một năm, chú sẽ chuyển thi hài sang hồ ngâm đã pha thuốc và cuối năm 2 đầu năm 3 mới đem ra phẫu tích.

    Chú nhớ như in một lần nhận xác hiến vào khoảng 11 giờ đêm ở Giồng Trôm, Bến Tre. Mọi người đốt bó dừa nước để rọi đường đi. Cả đội không mang thi hài qua cầu khỉ không được, phải lội ngang những con rạch, rất vất vả, gian nan. “Đó là con đường đồng gần cây số rất hẹp và trơn. Ngồi trên xe mệt quá, chú phải ôm băng ca để ngủ chừng 15-20 phút cho tỉnh táo để còn về xử lý thi hài. Cực khổ bao nhiêu chú cũng không tiếc, chỉ mong thân nhân có thể hiểu được tâm nguyện cao quý của người hiến mà không gây khó khăn trong quá trình vận chuyển” - chú Mười kể.

    Mong mỏi có người tiếp nối nghề

    Sinh viên khóa đầu tiên Khoa Y ĐHQG-HCM năm 2010 phải học phẫu tích hè ở các trường bạn vì chưa có thi hài. Chú Mười nói: “Thương các em phải đi xa từ Thủ Đức lên trung tâm thành phố để học, mình tự hứa với lòng phải kiếm cho được nguồn thi hài bằng những nỗ lực và kinh nghiệm sẵn có”. Chú tự túc liên hệ các trung tâm dưỡng lão, Hội Chữ thập đỏ ở Bình Dương, Bến Tre, Cần Thơ… và nhiều nơi nữa để tìm nguồn xác hiến. Đến năm 2013, sinh viên mới có thi hài để học, chú cho biết đó là niềm an ủi lớn nhất của mình.

    Hiện nay, Phòng Thực hành giải phẫu Khoa Y ĐHQG-HCM có hai kỹ thuật viên là chú Mười và một người học trò đã theo chú từ 5-6 năm nay. Phòng đã có 14 thi hài, và phẫu tích 8 thi hài. Chú Mười cho biết, nguồn xác hiến hiện giờ không sợ thiếu như trước. Trong quá trình học trên các thi hài, chú luôn theo sát sinh viên để các em học tập nghiêm túc, trân trọng phần còn lại của người quá cố. Vì thế, thi hài được bảo quản lâu hơn, sinh viên được học nhiều hơn.

    Chú tâm niệm: “Sinh viên học trên thi hài phải kính trọng những người thầy thầm lặng này của mình. Những chi tiết trên thi hài không một sách vở nào có thể sánh được. Đó là hành trang y khoa quý giá sẽ theo các em vào đời”.

    Mối trăn trở lớn nhất của chú hiện nay là phải tìm người tâm huyết với nghề để sau này nghỉ hưu còn có người tiếp nối. “Mong rằng những bạn trẻ khi chọn con đường y khoa, sẽ có những bạn tiếp nối công việc nhận xác hiến này. Tuy không phải một nghề phổ biến như cách hình dung thông thường của xã hội về lĩnh vực y học, nhưng nếu không có ai theo nghề, những ý nguyện hiến xác cao đẹp ngoài kia biết có còn ai đón nhận?” - chú Mười nói.

    ThS.BS Lê Quang Tuyền - người thường xuyên làm việc với chú Mười, cho biết: “Chú Mười là người rất có tâm với nghề, công việc lúc nào cũng hoàn thành tốt. Chú học việc rất nhanh và làm thì không ai có thể qua chú”.

    BÙI PHƯỜNG

    Hãy là người bình luận đầu tiên