Hôm nay khoác lên mình chiếc blouse trắng miệt mài nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, tuần sau có thể đã mang sneaker, vác ba lô chu du ở một vùng đất xa xôi nào đấy.
Đó là điều thường thấy ở TS Lê Ngọc Liễu, sinh năm 1984, giảng viên . Trong hành trình hơn 10 năm gắn bó với nghiên cứu khoa học, TS Liễu đã đặt chân đến 34 đất nước khác nhau. Chính điều đó đã tạo nên sự hòa quyện đặc biệt trong con người cô: một nhà khoa học tài năng và một người đam mê thú vui “xê dịch”.
Luôn tràn đầy năng lượng tích cực
Sinh trưởng ở xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, từ nhỏ Lê Ngọc Liễu đã là một cô học trò luôn tò mò về các hiện tượng tự nhiên. Không đủ thỏa mãn với sách giáo khoa, cô tìm đến những quyển sách nâng cao về hóa học trong thư viện trường để giải đáp những câu hỏi của mình. Từ một học sinh trường làng chính hiệu, cô quyết tâm thi vào ngành hóa học của và chọn nghiên cứu lĩnh vực công nghệ thực phẩm, và sau đó là công nghệ môi trường tại Singapore và Ả Rập Saudi.
“Dù đi đâu, tôi thấy chỉ ở Việt Nam, ở quê hương mình thì bản thân mới thực sự vui vẻ, có thể ăn những món Việt Nam bất cứ khi nào thích. Hơn hết, tôi muốn tham gia các hoạt động phát triển sinh viên. Bởi đóng góp cho thế hệ trẻ cũng chính là đóng góp cho đất nước”.
TS Lê Ngọc Liễu
“Từ bé và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thích học, vẫn thích tìm những cái mới” - TS Liễu giải thích lý do cô tiếp cận khoa học ở nhiều hướng khác nhau.
Sáu năm trước, Lê Ngọc Liễu từng là cô gái Việt Nam duy nhất nhận được giải thưởng tài năng trẻ ở Đức. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ tại ĐHQG Singpore, cô được ĐH Khoa học và Công nghệ của đức vua Abdullah (Ả Rập Saudi) mời về làm việc. Từ bỏ mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/tháng, năm 2017, TS Liễu quyết định quay về Việt Nam. “Dù đi đâu, tôi thấy chỉ ở Việt Nam, ở quê hương mình thì bản thân mới thực sự vui vẻ, có thể ăn những món Việt Nam bất cứ khi nào thích. Hơn hết, tôi muốn tham gia các hoạt động phát triển sinh viên. Bởi đóng góp cho thế hệ trẻ cũng chính là đóng góp cho đất nước” - TS Liễu tâm sự.
Tham gia hoạt nghiên cứu lẫn giảng dạy, cô Lê Ngọc Liễu luôn giữ một tinh thần tràn đầy năng lượng của tuổi trẻ. “Mỗi khi bắt tay vào làm việc, tôi thường tập trung đến mức tưởng như mọi thứ xung quanh đều im bặt vậy” - cô bộc bạch. Điều này rất đúng với châm ngôn sống của cô “Where there is a will, there is a way” (tạm dịch: Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường).
“Lúc nào cũng thấy cô Liễu tràn đầy năng lượng. Hình như tôi chưa thấy cô ấy chùn bước hay nề hà trước những thách thức nào” - ThS Nguyễn Thị Hương Giang - giảng viên Trường ĐH Quốc Tế, nhận xét về đồng nghiệp của mình.
TS Liễu được nhiều sinh viên yêu mến bởi sự thân thiện, nhiệt huyết. Đối với cô, phát triển thế hệ trẻ không chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn là làm lan tỏa niềm đam mê và giúp các bạn biết mình cần bổ sung những kỹ năng nào. “Cứ trải nghiệm đi em, mình còn trẻ mà” - đó là câu nói mà cô Liễu hay động viên sinh viên khi các bạn đối mặt với những thử thách.
“Mình học được nhiều nhất ở cô là cách luôn giữ thái độ tích cực trước mọi vấn đề, dường như cô luôn lạc quan, tươi cười, rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Cô thực sự rất nhiệt tình với sinh viên. Lúc mình chuẩn bị đi du học ở Ả Rập Saudi, cô đã tặng mình một bộ áo choàng màu đen - trang phục truyền thống của phụ nữ nước này, rồi còn cẩn thận chỉ mình phải mặc như thế nào, ứng xử ra sao nữa” - Nguyễn Thị Hoài An, học viên cao học tại Bỉ, kể.
Sẽ là travel blogger nếu không làm khoa học
TS Lê Ngọc Liễu trong đời thường là một người rất đam mê du lịch “bụi”, thích tận hưởng điều thú vị ở những vùng đất mới. “Một người thầy đã nói với tôi rằng nếu thích đi du lịch thì hãy làm nghiên cứu, có thể đó là một phần lý do để tôi yêu nghiên cứu hơn” - cô bông đùa.
“Điều tôi tự hào về bản thân không phải là những giải thưởng khoa học mà là những hành trình, những trải nghiệm, những nơi mà mình đã đi qua”.
TS Lê Ngọc Liễu
Mỗi dịp đi công tác hay trao đổi học thuật ở nước ngoài, khi xong việc cô thường nán lại vài ngày, lên kế hoạch cặn kẽ và bước vào chuyến du lịch một mình. Đến nay TS Liễu đã đặt chân đến 34 quốc gia trên thế giới.
Khác biệt hoàn toàn với chiếc áo blouse trắng của một nhà khoa học trong phòng thí nghiệm, người ta cũng thường thấy TS Lê Ngọc Liễu với sneaker, ba lô, quần jeans gọn gàng, khỏe khoắn khi đặt chân đến những vùng đất mới. Nhìn vào trang Facebook cá nhân ngập tràn những tấm ảnh du lịch của mình, cô cười lạc quan: “Đi một mình có cái hay riêng của nó. Tôi luôn nghĩ là mình ở hiền sẽ gặp lành, nếu có sự cố gì thì thể nào cũng có một ai đó giúp đỡ mình”. Thực tế, cô đã không ít lần gặp sự cố mà lần nào cô cũng may mắn được người dân bản địa “cứu nguy”. Điển hình là lần cô rơi điện thoại ở Damyang (Hàn Quốc) được người đi đường hỗ trợ tận tình, hay lần sắp trễ chuyến bay được “quá giang” taxi dù trên đường cao tốc... Cứ như thế, niềm đam mê du lịch được cô cân bằng với niềm đam mê nghiên cứu, giảng dạy.
“Tôi thích nhất về cách cô cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Khi làm việc thì cô luôn dành 100% công sức, khi chơi thì cô cũng chơi nhiệt tình luôn. Cô hay đi du lịch và trải nghiệm, rồi lại chia sẻ những kinh nghiệm ấy cho mọi người qua Facebook cá nhân của mình, nên theo dõi cô trên Facebook rất thú vị” - Lê Thị Hà Thanh, học viên cao học Trường ĐH Quốc Tế, chia sẻ.
Nhìn lại hành trình qua hơn 30 quốc gia của mình, TS Liễu cho biết: “Tôi từng nghĩ nếu không làm nghiên cứu chắc mình sẽ là một travel blogger (cười). Điều tôi tự hào về bản thân không phải là các giải thưởng khoa học mà là những hành trình, những trải nghiệm, những nơi mà mình đã đi qua. Đó mới thật sự là điều tuyệt vời nhất”.
Thành tích khoa học ấn tượng Năm 2020, TS Lê Ngọc Liễu được vinh danh là một trong 10 tài năng của giải Quả cầu vàng. Cô là tác giả của 18 bài báo quốc tế, tác giả chính một sáng chế được Hoa Kỳ chứng nhận. Từ năm 2010 đến năm 2013, cô đạt nhiều giải thưởng như “IES Prestigious Engineering Achievement Award” của Viện Kỹ sư Singapore, giải “Green Talents” của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức. Từ năm 2015 đến nay, TS Liễu tham gia xây dựng và quản lý dự án phi lợi nhuận cung cấp thông tin khoa học về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho người Việt với hơn 200 bài viết và 10 quyển E-book về các chủ đề dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. |
MAI NGÔ (Bản tin ĐHQG-HCM số 202)
Hãy là người bình luận đầu tiên