cá cược thể thao trực tuyến là gì - web cá độ thể thao uy tín

Khoa học - Công nghệ

Hiệu quả của vắc-xin trong việc chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2 và Những câu hỏi liên quan đến việc tiêm vắc-xin cho bệnh nhân từng nhiễm COVID-19

  • 20/09/2021
  • Nguyễn Huỳnh Thanh Thảo, Nguyễn Ngọc Thiên Kim,
    sinh viên khoa Công nghệ Sinh học trường Đại học Quốc tế - ĐHQG-HCM
    PGS. TS Trần Thị Mỹ Hạnh, giảng viên khoa Công nghệ Sinh học trường Đại học Quốc tế - ĐHQG-HCM.
    ---------

    Hiệu quả của vắc-xin trong việc chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2

    Đột biến gen đã dẫn đến một số biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và những biến thể đáng lo ngại bao gồm biến thể B.1.1.7 (Alpha), được phát hiện lần đầu ở Vương quốc Anh; biến thể B.1.351 (Beta), có nguồn gốc ở Nam Phi; biến thể P.1 (Gamma), có nguồn gốc ở Brazil và biến thể B.1.617.2 (Delta), được ghi nhận lần đầu tiên ở Ấn Độ. Các nghiên cứu mới cho thấy rằng các loại vắc-xin hiện tại có hiệu quả chống lại ít nhất một trong số các biến thể này, cụ thể là ngăn ngừa các triệu chứng và giảm khả năng nhập viện. Các biến thể khác hiện tại có thể kiểm soát được gồm: Eta, Iota, Kappa và Lambda (WHO).

    Hai nghiên cứu được thẩm định đã phát hiện ra rằng vắc-xin Pfizer cực kỳ hiệu quả trong việc chống lại biến thể Alpha và Beta. Nghiên cứu đầu tiên, được công bố trên NEJM, đã xem xét dữ liệu của hơn 200.000 người ở Qatar từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 3 năm 2021 [1]. Trong thời gian đó, các biến thể Alpha và Beta là nguyên nhân gây bệnh của gần như tất cả các trường hợp COVID-19 ở quốc gia này. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ở những người đã được tiêm chủng hai liều, vắc-xin Pfizer có hiệu quả 97,4% trong việc ngăn ngừa biến chứng nặng, nguy kịch hoặc tử vong do các biến thể Alpha hoặc Beta gây ra.

    Nghiên cứu thứ hai, được công bố trên tạp chí The Lancet, đã phân tích hơn 200.000 trường hợp nhiễm COVID-19 ở Israel từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 4 năm 2021 khi biến thể Alpha chiếm hơn 90% các trường hợp nhiễm bệnh. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng ở những người được tiêm chủng đủ hai liều, vắc-xin Pfizer có hiệu quả gần 97% hoặc hơn trong việc ngăn ngừa các biến chứng nặng, các trường hợp nhập viện, nguy kịch hoặc tử vong liên quan đến COVID-19 [2]. 

    Nghiên cứu mới cũng đã phát hiện ra vắc-xin Pfizer có hiệu quả chống lại biến thể Delta, hiện là biến thể chiếm đa số ở Mỹ. Một nghiên cứu từ Tổ chức Y tế Cộng đồng Anh cho thấy tiêm chủng đầy đủ vắc-xin Pfizer có hiệu quả 88% trong việc chống lại các triệu chứng do biến thể Delta gây ra và 96% hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhập viện do biến thể Delta [3]. Trong khi đó, một nghiên cứu về độ hiệu quả của vắc-xin AstraZeneca được tiến hành trên 14.019 trường hợp mắc COVID-19 do biến thể Delta tại Anh từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 6 năm 2021 cho thấy hiệu quả chống lại các triệu chứng và nhập viện gây ra bởi biến thể Delta của vắc-xin AstraZeneca lần lượt là 67% và 92% [4]. 

    Ngoài ra, dữ liệu từ Mạng lưới Nghiên cứu Tiêm chủng Canada (CIRN) với sự hỗ trợ từ Cơ quan Y tế Công cộng Canada và Viện Nghiên cứu Y tế Canada cho thấy hiệu quả của vắc-xin AstraZeneca trong việc chống lại các triệu chứng COVID-19 gây ra bởi biến thể Beta/Gamma, Delta và Alpha lần lượt là 50%, 70% và 72%. Thêm vào đó, vắc-xin AstraZeneca cũng cho thấy hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong gây ra bởi các biến thể của vi rút SARS-CoV-2, cụ thể là 87% đối với biến thể Delta và 90% đối với biến thể Alpha [5].

    Đối với vắc-xin Moderna, một nghiên cứu được thực hiện tại Qatar trong khoảng thời gian từ cuối tháng 12 năm 2020 đến giữa tháng 5 năm 2021 trên 256.037 người cho thấy vắc-xin này có 100% hiệu quả trong việc chống lại lây nhiễm COVID-19 do biến thể Alpha gây ra và 95.7% hiệu quả trong việc ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng và tử vong gây ra bởi biến thể Alpha và Beta [6].

    Một nghiên cứu khác, được công bố trên tạp chí Nature, đã xem xét mẫu máu của những người được tiêm vắc-xin adenovirus của Johnson & Johnson, phát hiện ra rằng vắc-xin tạo ra phản ứng kháng thể chống lại các biến thể Beta và Gamma kém mạnh mẽ hơn so với phản ứng với virus SARS-CoV-2 ban đầu. Tuy nhiên, phản ứng miễn dịch của các tế bào lympho T vẫn được duy trì, đặc biệt là các loại tế bào T giúp ngăn chặn virus lây lan trong cơ thể. Phản ứng miễn dịch này sẽ bảo vệ người bệnh khỏi các triệu chứng nghiêm trọng [7]. Johnson & Johnson cũng công bố dữ liệu từ một nghiên cứu nhỏ, trong phòng thí nghiệm và chưa được xuất bản cho thấy có phản ứng kháng thể trung hòa mạnh mẽ chống lại biến thể Delta ở những người đã tiêm một mũi vắc-xin J&J và phản ứng này đã được duy trì trong ít nhất tám tháng. 

    Một nghiên cứu được công bố vào tháng 7 đã kiểm tra các kháng thể trong máu của những người được tiêm vắc-xin Sputnik V để xem nó hoạt động như thế nào đối với các biến thể Alpha, Beta, Gamma và Delta. Kết quả cho thấy các kháng thể có sự suy giảm khả năng chống lại các biến thể của vi rút SARS-CoV-2 [8]. Hiện vẫn chưa rõ việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả của vắc-xin đối với việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong, vì thế vẫn cần những dữ liệu thực tế được công bố về vấn đề này.

    Kết quả của những nghiên cứu trên cho thấy ở thời điểm hiện tại, vắc-xin Moderna và Pfizer có hiệu quả cao nhất trong việc chống lại các triệu chứng và nguy cơ nhập viện gây ra bởi các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. AstraZeneca cũng cực kỳ hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 ngay cả khi hiệu quả chống lại một số biến chủng có thể giảm, thì vắc-xin này vẫn sẽ cung cấp sự bảo vệ tuyệt vời chống lại biến chứng nặng. 

    Mắc COVID-19 trong khoảng thời gian giữa hai liều vắc-xin?

    Nếu bạn mới chỉ tiêm một liều trong hai liều vắc-xin COVID-19 (Pfizer hoặc Moderna), điều quan trọng cần nhớ là bạn chưa được bảo vệ đầy đủ nhất có thể trước COVID-19. Vì vậy, có khả năng bạn sẽ mắc COVID-19 sau khi tiêm liều đầu tiên mặc dù dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho thấy khả năng xảy ra là dưới 2% [9]. 

    William Moss, Giám đốc điều hành của Trung tâm Tiếp cận vắc-xin Quốc tế tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, Maryland, cho biết.“Liều vắc-xin đầu tiên sẽ bảo vệ bạn khỏi COVID-19 ở một mức độ thấp hơn so với khi tiêm đầy đủ hai liều. Cụ thể là nếu bạn mắc COVID-19 sau khi tiêm liều 1, triệu chứng sẽ nhẹ hơn người chưa tiêm vắc-xin và nguy cơ mắc bệnh nặng thấp hơn”.

    Nếu bị mắc COVID-19 sau khi tiêm liều vắc-xin đầu tiên thì có cần tiêm liều thứ hai không? Nếu có thì nên tiêm lúc nào? 

    Mắc COVID-19 giữa các liều không có nghĩa là bạn cần phải bắt đầu tiêm lại từ đầu hoặc bỏ hoàn toàn liều thứ hai. Inci Yildirim, bác sĩ tiêm chủng và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trẻ em tại Yale Medicine, Connecticut, cho biết “Dữ liệu có sẵn từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy những người bị nhiễm SARS-CoV-2 có thể tiêm vắc-xin COVID-19 một cách an toàn. CDC khuyến cáo hoãn tiêm chủng cho đến khi bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và đã hoàn thành thời gian cách ly”.

    Hiện vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ về khả năng miễn dịch của cơ thể sau khi lây nhiễm tự nhiên, vì thế sau khi hồi phục, bạn vẫn cần tiêm mũi vắc-xin thứ hai. Dưới đây là những điều bạn cần biết về việc lên lịch cho liều thứ hai: 

    • Điều quan trọng là bạn phải cách ly trong 14 ngày sau lần tiếp xúc gần nhất với người mắc COVID-19 và bạn cần hồi phục hoàn toàn trước khi tiêm mũi thứ hai.
    • Đối với vắc-xin Pfizer và Moderna, lên lịch mũi tiêm thứ hai không muộn hơn sáu tuần sau ngày tiêm mũi đầu tiên. Không có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của vắc-xin nếu liều thứ hai được tiêm ngoài sáu tuần được khuyến nghị, vì vậy tốt nhất là bạn nên duy trì trong khung thời gian đó. 

    Tuy nhiên, có một lưu ý đối với quy tắc này. Nếu bạn được điều trị bằng kháng thể đơn dòng hoặc huyết tương của người từng mắc COVID-19, bạn nên đợi 90 ngày để được tiêm phòng. Đây là một biện pháp phòng ngừa do CDC đặt ra vì không có nghiên cứu đầy đủ về các tương tác tiềm ẩn của liệu pháp kháng thể với đáp ứng miễn dịch từ vắc-xin. Nếu bạn đã tiêm liều đầu tiên và bạn mắc COVID-19 và được điều trị bằng liệu pháp kháng thể, bạn cần đợi 90 ngày trước khi tiêm liều thứ hai. 

    Có nên tiêm vắc-xin nếu trước đó bạn từng nhiễm COVID-19 và đã hồi phục?

    Nghiên cứu mới cho thấy rằng những người đã mắc COVID-19 vẫn sẽ có được sự bảo vệ từ vắc-xin, thậm chí có thể nhiều hơn những người đã tiêm vắc-xin nhưng chưa từng bị nhiễm bệnh trước đó. Một nghiên cứu được công bố trên NEJM cho thấy rằng những người trước đây đã bị nhiễm SARS-CoV-2 và sau đó được tiêm một liều vắc-xin mRNA (Pfizer hoặc Moderna) đã có phản ứng miễn dịch nhanh chóng và tạo ra số lượng kháng thể ngang bằng hoặc nhiều hơn những người chưa bị nhiễm trước đây đã được tiêm hai liều vắc-xin [10]. Một nghiên cứu được công bố trên Science đã so sánh tác dụng của vắc-xin Pfizer giữa những người đã từng và chưa bị nhiễm COVID-19 trước đó phát hiện ra rằng những người bị nhiễm trước đây sau khi được tiêm phòng có phản ứng miễn dịch chống lại các biến thể B.1.1.7 và B.1.351 mạnh hơn so với những người chưa bị nhiễm [11]. Vì vậy, kết luận rút ra là những người từng bị nhiễm COVID-19 vẫn nên tiêm vắc-xin, tuy nhiên số liều tiêm của từng loại vắc-xin cần được nghiên cứu thêm để đảm bảo tối đa độ hiệu quả và tránh lãng phí. 

    Người bệnh cần hồi phục hoàn toàn trước khi tiêm vắc-xin. Đối với các bệnh nhân COVID-19 được điều trị bằng kháng thể đơn dòng hoặc huyết tương của người từng mắc COVID-19, nên đợi 90 ngày trước khi tiêm vắc-xin. Hãy hỏi bác sĩ nếu bạn không chắc mình đã nhận được phương pháp điều trị nào hoặc nếu bạn có thêm câu hỏi về vắc-xin phòng ngừa COVID-19.

    Nếu bạn hoặc con bạn có tiền sử mắc hội chứng viêm đa hệ (MIS-A hoặc MIS-C), hãy cân nhắc việc trì hoãn tiêm chủng cho đến khi bạn hoặc con bạn khỏi bệnh hoàn toàn và trong 90 ngày sau ngày chẩn đoán MIS -A hoặc MIS-C. 

    Có cần thiết phải tiêm hai liều cho những người đã từng mắc COVID-19 ?

    Một số quốc gia như Pháp, Đức và Ý hiện chỉ tư vấn một liều vắc-xin cho những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh và đã được xác nhận từng mắc COVID-19. Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu các phản ứng miễn dịch sau tiêm chủng cho biết những chính sách như vậy là cách hợp lý để tận dụng tối đa nguồn cung hạn chế ở các quốc gia đang chạy đua để tiêm chủng cho toàn bộ dân số.

    Jordi Ochando, một nhà miễn dịch học tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai, thành phố New York, người đã tư vấn cho chính phủ Tây Ban Nha về hướng dẫn tiêm chủng cho biết: “Việc thực hiện tiêm chủng hai liều cho những người đã bị nhiễm bệnh trước đó là không hợp lý trong khi có hàng triệu người đang chờ đợi liều đầu tiên của họ”. Nhưng các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu các chương trình tiêm một liều dành cho những người đã bị nhiễm bệnh trước đây có thể khiến một số cá nhân được bảo vệ dưới mức tối ưu hay không. Cũng không có gì rõ ràng rằng các chương trình như vậy sẽ có hiệu quả đối với tất cả các loại vắc-xin.

    Một bài báo được xuất bản trên tạp chí Nature vào ngày 14 tháng 6 cung cấp một số bằng chứng cho thấy một lần tiêm có thể là đủ cho những người đã từng mắc COVID-19. Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Rockefeller ở Thành phố New York và các nơi khác đã thực hiện nghiên cứu trên 26 người từng mắc COVID-19 và sau đó được tiêm ít nhất một liều vắc-xin Pfizer hoặc Moderna. Các nhà nghiên cứu đã phân tích mức độ ‘kháng thể trung hòa’- các phân tử miễn dịch mạnh có thể ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào người tham gia. Hiện tại, số lượng và sức sống của các kháng thể trung hòa của một người là dấu hiệu tốt nhất để đánh giá liệu người đó có được bảo vệ khỏi bệnh tật hay không - mặc dù điều này vẫn còn đang được xác minh. Thêm vào đó, nhóm nghiên cứu cũng đánh giá mức độ MBC - Tế bào ghi nhớ lympho B của những người tham gia, tế bào sẽ ghi nhớ các tác nhân gây bệnh và nhanh chóng tạo ra các kháng thể nhắm vào mục tiêu nếu gặp phải tác nhân lây bệnh đã nhìn thấy trước đây. Trong vòng một hoặc hai tháng kể từ khi tiêm chủng, mức độ tế bào ghi nhớ lympho B trung bình của những người tham gia nghiên cứu đã tăng gần 10 lần và mức kháng thể trung hòa của họ đã tăng lên khoảng 50 lần bất kể việc họ đã tiêm một hay hai mũi vắc-xin [12]. Nghiên cứu của Hatziioannou và cộng sự cho thấy rằng sau 12 tháng nhiễm bệnh, các tế bào B nhớ của họ đã tiếp tục tiến hóa, giúp chúng có thể tạo ra các kháng thể thậm chí còn mạnh hơn và linh hoạt hơn so với những kháng thể mà chúng tạo ra ngay sau khi bị nhiễm bệnh.

    Các nghiên cứu khác cũng đi đến kết luận tương tự và một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng một mũi tiêm có thể thúc đẩy sự phát triển của các kháng thể và các tế bào T có khả năng tiêu diệt các tế bào bị nhiễm mầm bệnh [13],[14]. John Wherry, một nhà miễn dịch học tại Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania ở Philadelphia, cho biết: “Đối với những người đã khỏi bệnh, mũi tiêm thứ hai dường như không đem lại nhiều hiệu quả”.

    Và mặc dù hầu hết các nghiên cứu về chủ đề này cho đến nay đều tập trung vào vắc-xin mRNA, nhưng bằng chứng sơ bộ từ các nghiên cứu được thực hiện ở Vương quốc Anh và Ấn Độ cho thấy rằng các chiến lược liều đơn có thể thành công cả với vắc-xin AstraZeneca, vắc-xin sử dụng một loại adenovirus để kích thích phản ứng miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 [15],[16].

    Một nghiên cứu cho thấy rằng sau khi tiêm một liều AstraZeneca cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe thì những người đã từng mắc COVID-19 có phản ứng miễn dịch mạnh hơn nhiều so với các đồng nghiệp chưa từng nhiễm bệnh [15]. Kết quả của những nghiên cứu trên ủng hộ chiến lược tiêm phòng một liều cho những cá thể đã bị nhiễm bệnh trước đó để tăng mức độ bao phủ và bảo vệ một số lượng lớn hơn các quần thể.

    Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng một số người bị nhiễm SARS-CoV-2 có phản ứng miễn dịch tương đối yếu, đặc biệt là những người không biểu hiện các triệu chứng COVID-19. Do số lượng đa dạng về các dòng kháng thể được sản xuất trong cơ thể những người này, xét nghiệm PCR có thể khiến họ bị bỏ lỡ. Đây là lúc mà xét nghiệm kháng thể có thể hữu ích. “Từ lâu, khám sàng lọc kháng thể đối với virus viêm gan B đã được thực hiện thường xuyên ở một số cơ sở để hướng dẫn các chiến lược tiêm chủng chống lại tác nhân lây nhiễm này và điều tương tự cũng có thể được thực hiện với các kháng thể của protein gai của SARS-CoV-2”, Viviana Simon, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Mount Sinai cho biết.

    Vì vậy, kết luận rút ra là ở các nước mà nguồn cung vắc-xin đang thiếu hụt thì chiến lược tiêm một liều (đối với vắc-xin Pfizer, Moderna và AstraZeneca) cho các bệnh nhân đã từng nhiễm COVID-19 trước đó có thể được cân nhắc nhằm tạo được miễn dịch cộng đồng một cách nhanh chóng, hiệu quả và kinh tế. 

    Lời kết

    Dựa trên các số liệu thực tế thì các loại vắc-xin Pfizer, Moderna và AstraZeneca đều có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa biến chứng nặng, nguy kịch hoặc tử vong do các biến thể Alpha, Beta và Delta gây ra. Tuy nhiên, việc quyết định xem cần tiêm bao nhiêu liều để duy trì miễn dịch cần phải nghiên cứu sâu hơn và không chỉ dựa vào miễn dịch tức thời (acute immune response) mà nên dựa vào miễn dịch dài hạn (long lasting immunity) là loại miễn dịch mà cơ thể cần thời gian dài, ít nhất từ 12 tháng trở đi mới tạo ra được.

    Khi số người bị nhiễm COVID-19 ngày càng nhiều, không chỉ ở Việt nam và trên thế giới. Thì kế hoạch tiêm phòng cho những người này cũng rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho họ và cộng đồng. Dựa vào số liệu điều tra, thì những người đã nhiễm COVID-19 nên tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin.

    Cũng cần lưu ý là các loại vắc-xin trong bài không tạo ra ra miễn dịch ở các mô nhầy như ở mũi và họng, vì vậy những người đã tiêm phòng vẫn có thể mắc COVID-19 và truyền virus cho người khác, đặc biệt là với các biến chủng như Delta. Do đó, cho tới khi miễn dịch cộng đồng đạt được thì vẫn cần các biện pháp phòng tránh khác như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách bất kể bạn đã tiêm phòng hay chưa.



     

    Tài liệu tham khảo

    1. Delgado, C. D. (2021, April). What Happens If I Get COVID-19 Between Vắc-xin Doses? Verywell Health.
    2. Harvard Medical School. (2021, July 29). COVID-19 . Harvard Health Publishing.
    3. Frequently Asked Questions about COVID-19 Vaccination. (2021, June 15). Centers for Disease Control and Prevention.
    4. Nature Editorial. (2021, June 25). Is one vaccine dose enough if you’ve had COVID? What the science says. Nature.
    5. Harvard Health. (2021b, July 29). COVID-19 vaccine.
    6. Steain, M., & Triccas, J. (2021, July 28). Growing evidence suggests Russia’s Sputnik V COVID vaccine is safe and very effective. But questions about the data remain. The Conversation.
    7. Juno, J. J. (2021, May 11). Mounting evidence suggests COVID vaccine do reduce transmission. How does this work? Gavi, the Vắc-xin Alliance.

    Những nghiên cứu khoa học được đề cập trong bài viết:

    [1] Abu-Raddad, L. J., Chemaitelly, H., & Butt, A. A. (2021). Effectiveness of the BNT162b2 COVID-19 Vaccine against the B. 1.1. 7 and B. 1.351 Variants. New England Journal of Medicine.

    [2] Haas, E. J., Angulo, F. J., McLaughlin, J. M., Anis, E., Singer, S. R., Khan, F., ... & Alroy-Preis, S. (2021). Impact and effectiveness of mRNA BNT162b2 vaccine against SARS-CoV-2 infections and COVID-19 cases, hospitalisations, and deaths following a nationwide vaccination campaign in Israel: an observational study using national surveillance data. The Lancet397(10287), 1819-1829.

    [3] Lopez Bernal, J., Andrews, N., Gower, C., Gallagher, E., Simmons, R., Thelwall, S., ... & Ramsay, M. (2021). Effectiveness of COVID-19 vaccines against the B. 1.617. 2 (Delta) variant. New England Journal of Medicine.

    [4] J.S. (2021, June 14). Effectiveness of COVID-19 vaccines against hospital admission with the Delta (B.1.617.2) variant. Public Health England. //khub.net/web/phe-national/public-library/-/document_library/v2WsRK3ZlEig/view_file/479607329?_com_liferay_document_library_web_portlet_DLPortlet_INSTANCE_v2WsRK3ZlEig_redirect=//khub.net:443/web/phe-national/public-library/-/document_library/v2WsRK3ZlEig/view/479607266

    [5] Nasreen S, (2021) Effectiveness of COVID-19 vaccines against variants of concern in Ontario, Canada. MedRxiv Online:

    [6] Chemaitelly, H., Yassine, H. M., Benslimane, F. M., Al Khatib, H. A., Tang, P., Hasan, M. R., ... & Abu-Raddad, L. J. (2021). mRNA-1273 COVID-19 vaccine effectiveness against the B. 1.1. 7 and B. 1.351 variants and severe COVID-19 disease in Qatar. Nature medicine, 1-8.

    [7] Alter, G., Yu, J., Liu, J., Chandrashekar, A., Borducchi, E. N., Tostanoski, L. H., ... & Barouch, D. H. (2021). Immunogenicity of Ad26. COV2. S vaccine against SARS-CoV-2 variants in humans. Nature, 1-5.

    [8] Gushchin, V. A., Dolzhikova, I. V., Shchetinin, A. M., Odintsova, A. S., Siniavin, A. E., Nikiforova, M. A., ... & Gintsburg, A. L. (2021). Neutralizing activity of sera from Sputnik V-vaccinated people against variants of concern (VOC: B. 1.1. 7, B. 1.351, P. 1, B. 1.617. 2, B. 1.617. 3) and Moscow endemic SARS-CoV-2 variants. Vaccines9(7), 779.

    [9] Thompson, M. G., Burgess, J. L., Naleway, A. L., Tyner, H. L., Yoon, S. K., Meece, J., ... & Gaglani, M. (2021). Interim estimates of vaccine effectiveness of BNT162b2 and mRNA-1273 COVID-19 vaccines in preventing SARS-CoV-2 infection among health care personnel, first responders, and other essential and frontline workers—eight US locations, December 2020–March 2021. Morbidity and Mortality Weekly Report70(13), 495.

    [10] Anichini, G., Terrosi, C., Gandolfo, C., Gori Savellini, G., Fabrizi, S., Miceli, G. B., & Cusi, M. G. (2021). SARS-CoV-2 antibody response in persons with past natural infection. New England Journal of Medicine.

    [11] Reynolds, C. J., Pade, C., Gibbons, J. M., Butler, D. K., Otter, A. D., Menacho, K., ... & Boyton, R. (2021). Prior SARS-CoV-2 infection rescues B and T cell responses to variants after first vaccine dose. Science.

    [12] Wang, Z., Muecksch, F., Schaefer-Babajew, D., Finkin, S., Viant, C., Gaebler, C., ... & Nussenzweig, M. C. (2021). Naturally enhanced neutralizing breadth against SARS-CoV-2 one year after infection. Nature595(7867), 426-431.

    [13] Camara, C., Lozano-Ojalvo, D., Lopez-Granados, E., Paz-Artal, E., Pion, M., Correa-Rocha, R., ... & Ochando, J. (2021). Differential effects of the second SARS-CoV-2 mRNA vaccine dose on T cell immunity in naïve and COVID-19 recovered individuals. bioRxiv.

    [14] Mazzoni, A., Di Lauria, N., Maggi, L., Salvati, L., Vanni, A., Capone, M., ... & Annunziato, F. (2021). First-dose mRNA vaccination is sufficient to reactivate immunological memory to SARS-CoV-2 in subjects who have recovered from COVID-19. The Journal of Clinical Investigation131(12).

    [15] Sasikala, M., Shashidhar, J., Deepika, G., Ravikanth, V., Krishna, V. V., Sadhana, Y., ... & Reddy, D. N. (2021). Immunological memory and neutralizing activity to a single dose of COVID-19 vaccine in previously infected individuals. International Journal of Infectious Diseases108, 183-186.

    [16] Frieman, M., Harris, A. D., Herati, R. S., Krammer, F., Mantovani, A., Rescigno, M., ... & Simon, V. (2021). SARS-CoV-2 vaccines for all but a single dose for COVID-19 survivors. EBioMedicine68.

    Hãy là người bình luận đầu tiên