cá cược thể thao trực tuyến là gì - web cá độ thể thao uy tín

Hoạt động xã hội

12 ngày đi thăm nhà giàn DK1

  • 25/03/2019
  • Từ sáng sớm 5/1, xe của Bộ tư lệnh Vùng II đưa chúng tôi rời nhà khách hướng đến Cảng Lữ đoàn 171. Xe vừa qua khỏi cổng an ninh, trước mắt chúng tôi là hai chiếc tàu vận tải hải quân mang tên Trường Sa 08 và Trường Sa 19 dần dần hiện rõ, sừng sững trên nền trời xanh ngắt…

    Trước buồng lái mỗi tàu là tấm băng rôn màu đỏ có dòng chữ màu vàng “Chuyến tàu chở đoàn công tác đi thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn, tàu trực và quân, dân huyện Côn Đảo nhân dịp xuân Kỷ Hợi 2019”.

    Những con sóng bạc đầu

    Trước đó một ngày, lãnh đạo Bộ tư lệnh Vùng II Hải quân đã họp mặt đoàn và thông tin hải trình. Chúng tôi gồm các phóng viên, đại diện doanh nghiệp, trường đại học được chia thành hai đoàn, đoàn số 1 đi trên tàu Trường Sa 08 thăm 10 nhà giàn, gồm cụm nhà giàn Ba Kè (DK1/9, DK1/20, DK1/21), bãi cạn Quế Đường (DK1/19, DK1/8), bãi cạn Huyền Trân (DK1/7), bãi cạn Phúc Tần (DK1/2, DK1/18, DK1/16, DK1/17); và đoàn số 2 đi trên tàu Trường Sa 19 thăm nhà giàn Phúc Nguyên, Tư Chính và huyện Côn Đảo. Đoàn đại biểu của ĐHQG-HCM gồm có tôi và 8 thầy cô khác thuộc đoàn số 1.

    Xe dừng lại, phóng viên bắt đầu tác nghiệp, không khí càng lúc càng sôi nổi. Các thùng lương thực, thực phẩm lần lượt được chuyển lên hai tàu. Trong số quà ấy, tôi thấy có cả những cành mai vàng rực, những chậu quất trĩu quả, từng cuộn dây lạc, từng bó lá dong mang đậm không khí Tết cổ truyền. Lúc đó tôi và Hương - cô Bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM đã “bắt cóc” hai anh lính hải quân để… trò chuyện. Một anh tên Phi sinh năm 1995 quê ở Bình Dương, và chiến sĩ còn lại tên Kiên sinh năm 1998, quê ở Nghệ An. Đây là các chiến sĩ được điều ra để thay quân cho nhà giàn DK1. Qua cách nói chuyện và nhìn vào mắt các chiến sĩ, tôi biết họ đang rất háo hức và tự hào với nhiệm vụ lần này.

    Đúng 10g5, khi chúng tôi tạm thời yên vị trên tàu Trường Sa 08, vị thuyền trưởng ra lệnh thổi 3 hồi còi tạm biệt đất liền và tàu Trường Sa 19. Chúng tôi đi trước! Lúc này, tôi mới có dịp nhìn lại căn phòng mà chỉ huy tàu đã bố trí cho chúng tôi. Đó là phòng sinh hoạt chung của tàu, được trưng dụng để làm phòng ngủ cho 8 người. Trên hành trình 12 ngày đêm sắp tới, phòng sinh hoạt này sẽ diễn ra nhiều kỷ niệm đáng nhớ của 80 thành viên tàu Trường Sa 08.

    Con tàu rẽ sóng thẳng hướng thềm lục địa phía nam Tổ quốc, nơi có hệ thống các nhà giàn DK1. Sau bữa cơm trưa, tiếng cười nói, trò chuyện vẫn rôm rả như lúc mới lên tàu nhưng trong cảm nhận của tôi và mọi người, sự hung dữ của biển cả đang bắt đầu rõ hơn. Từ trong phòng nhìn ra cửa sổ với những con sóng đang xô vào thành tàu, anh Thăng - Chính trị viên cho tôi biết đó là sóng bạc đầu, thường xuất hiện vào những ngày biển động. Và dường như để minh chứng cho lời của Thăng, con tàu bắt đầu rung lắc dữ dội. Các phóng viên, các bạn đồng nghiệp và ngay cả tôi tự nhận là mình rất khỏe cũng bắt đầu có dấu hiệu say sóng. Sóng càng lúc càng mạnh, hầu như tất cả chúng tôi đều nằm bẹp xuống sàn tàu với đủ mọi tư thế hòng có thể ngăn được cái bụng đang sôi sùng sục bởi bữa trưa chưa kịp tiêu hóa hết, giờ chỉ chực trào ra.

    Tàu Trường Sa 08. Ảnh: HT

    Qua ngày thứ hai, tôi đã lấy lại phong độ, không còn cảm giác say sóng nữa, nhưng đa số các thành viên khác thì không may mắn như vậy. Họ vẫn đang vừa đánh vật với cơn say sóng, vừa ôm bụng cười với những trò nghịch ngợm “trời ơi” mà Hương bày ra. Hương đã sớm làm quen với sóng bạc đầu và hiện đang rất phấn khích.

    Hai đêm đầu tiên trên tàu tôi không ngủ được, có thể do lạ chỗ, cũng có thể do sóng làm con tàu lúc chồm lên lúc ngụp xuống, khiến tôi có cảm giác như đang cưỡi trên lưng con ngựa dữ. Rồi tôi bâng quơ nghĩ mà cảm phục ông cha thuở xưa, với phương tiện thuyền nan thô sơ vẫn đều đặn vượt sóng to gió lớn ra khơi, bám biển góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

    Sáng 7/1, tôi bị đánh thức bởi tiếng reo hò to quá cỡ của anh Phùng Quán (một đồng nghiệp khác của tôi đang công tác tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM): “Nhà giàn, nhà giàn kìa!”.

    Tôi bật dậy như lò xo, nhìn về phía mũi tàu, một kết cấu thép màu vàng to lớn có bốn chân cắm sâu vào đáy biển từ từ hiện ra, rõ hơn, sừng sững giữa biển khơi bao la. Đó là nhà giàn DK1/9 (thuộc cụm Ba Kè). Chúng tôi chen lấn lên bong tàu, hò reo, vui không thể nào kể xiết. Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến nhà giàn mà trước giờ chỉ được xem qua tivi, báo đài. Nhưng niềm vui đó kéo dài không được lâu. Theo lệnh của Đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó Chính ủy Bộ tư lệnh Vùng II  Hải quân, do điều kiện sóng to gió lớn, tàu Trường Sa 08 phải neo cách nhà giàn 200m để đề phòng sóng đánh va đập vào chân nhà giàn. Thế là, chúng tôi chỉ biết nhìn từ xa, tiếc nuối.

    Trong khi tôi ngơ ngẩn nhìn DK1/9 từ xa và gặm nhấm niềm tiếc nuối đó thì các phóng viên đã nhanh chóng “bày binh bố trận”, quay phim chụp hình, cố để lấy cho được trực tiếp hình ảnh nhà giàn DK1/9. Phía dưới boong tàu, chiếc thuyền máy cỡ nhỏ đã được thả xuống biển, những thùng nhu yếu phẩm và quà tết được cẩn thận đưa xuống thuyền.

    “Tình hình sóng như thế này chỉ có dùng thuyền nhỏ đưa hàng đến gần nhà giàn rồi cần cẩu trên nhà giàn sẽ cẩu quà lên” - Anh Sửu, Chỉ huy phó giải thích. Nhìn chiếc thuyền chở nhu yếu phẩm, quà tết cưỡi trên những cơn sóng bạc đầu, chúng tôi nhiều phen thót tim vì chiếc thuyền bé nhỏ với 3 chiến sĩ trẻ tuổi có lúc tưởng như bị những con sóng nuốt chửng.

    Loa phóng thanh trên tàu vang vang lời của thuyền trưởng “mời tất cả các đồng chí đại biểu tập trung tại buồng lái để chúc tết các chiến sĩ nhà giàn”. Với chiếc bộ đàm trên tay, đại tá  Đại tá Nguyễn Quốc Văn - Phó Chính ủy Vùng II Hải quân bắt đầu thay mặt đoàn công tác gửi lời thăm hỏi, động viên đến cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/9. Tiếp đó là những lời đáp lại từ nhà giàn khiến chúng tôi thêm xúc động: “Xin hứa với thủ trưởng, sẽ tổ chức cho bộ đội đón tết vui tươi, đoàn kết, an toàn, tiết kiệm và luôn luôn sẵn sàng chiến đấu”.

    Món quà từ nhà giàn

    Những ngày tiếp theo, tình hình thời tiết cũng không khá hơn là mấy. Lần lượt 8 nhà giàn tiếp theo nơi chúng tôi đi qua, đoàn công tác chỉ có thể neo tàu từ xa, chúc tết và hát tặng các cán bộ chiến sĩ qua bộ đàm. Sự thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt mỗi thành viên tàu.

    Nhưng dường như, ông trời cũng cảm thông với nỗi niềm của con người. Một buổi sáng trời quang, sóng tương tối nhẹ cũng là lúc tàu chúng tôi vừa đến khu vực Bãi cạn Quế Đường, nơi có nhà giàn DK1/19. “Đề nghị tất cả các đồng chí đại biểu chuẩn bị trang phục chỉnh tề, chúng ta sẽ đổ bộ lên nhà giàn DK1/19 trong một ít phút nữa”, tiếng loa phóng thanh vang lên rõ ràng từng lời của đồng chí chỉ huy tàu khiến tất cả chúng tôi vỡ oà vì vui sướng.

    Biển đã bớt hung dữ, mọi người trong đoàn công tác được “cẩu” lên nhà giàn. Từ trên tàu, 6 người một đợt bước vào một cái “chuồng chim” bằng dây thừng thả từ trên nhà giàn xuống. Chúng tôi đùa nhau rằng sắp được đi “cáp treo”!

    Đi “cáp treo” lên nhà giàn. Ảnh: HT

    Từ boong tàu, cái “cáp treo” đu đưa từ từ lên nhà giàn nhờ một cần cẩu. Nhìn lên là dây cẩu, dưới là sóng lớn cùng con tàu dập dềnh, lúc lên cao, lúc xuống thấp, con người lúc ấy thật mỏng manh trước biển cả. Có người phải nhắm tịt mắt lại. Nhưng rồi tất cả cũng vượt qua.

    Cái cảm xúc của người lần đầu tiên trong đời được đặt chân lên nhà giàn thật là khó tả. Hân hoan, náo nức, xúc động. Rồi tiếp đó là những cái quàng vai, bắt tay siết chặt giữa trùng khơi như tiếp thêm hơi ấm cho các chiến sĩ ở lưng chừng trời, giữa đại dương mênh mông.

    Đại uý Trịnh Trọng Nghĩa - Chính trị viên tiểu đội DK1/19 chia sẻ: “Cả tuần nay anh em chiến sĩ rất háo hức vì nhận được tin sẽ có đoàn công tác từ đất liền ra thăm. Sáng nay, nhìn thấy tàu Trường Sa 08 xuất hiện chúng tôi hạnh phúc vô cùng”. Nói rồi anh trao cho tôi lá cờ tổ quốc đã bạc màu và rách mép. Trên lá cờ ghi dòng chữ “Cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1/19 kính tặng”. Đây là lá cờ đã từng hiên ngang tung bay trên nóc nhà giàn suốt thời gian qua. Tôi nhận, cẩn thận xếp vào ba lô và quý trọng nó như báu vật.

    Cuộc gặp gỡ chỉ vẻn vẹn trong khoảng một giờ đồng hồ nhưng đã khơi lên trong lòng mỗi người một niềm cảm xúc khó tả. Giữa sóng nước mênh mông, mọi người cùng chúc nhau một năm mới an khang, hạnh phúc trong cái ấm áp của mùa xuân đang tới.

    Những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm nồng ấm không thể nào nói hết sự cảm phục của chúng tôi dành cho các anh. Trên hết đó là sự tin tưởng, với lòng quả cảm, tình yêu nước và ý chí mạnh mẽ, chúng tôi tin tưởng các anh chắc chắn sẽ vững chắc tay súng bảo vệ sự bình yên cho vùng biển thiêng liêng, thềm lục địa phía nam Tổ quốc.

    Tạm biệt các anh, chúng tôi quay lại tàu mang theo không ít bịn rịn và những kỷ niệm thật đẹp về người lính hải quân, về nhà giàn DK1. Tàu Trường Sa 08 một lần nữa lại kéo 3 hồi còi thật lớn tạm biệt DK1/19, nhằm thẳng hướng đất liền.

    HỮU THỐNG (Bản tin ĐHQG-HCM số 193)

     

     

    Hãy là người bình luận đầu tiên