Thực hiện chủ đề “Khoa học công nghệ, nâng tầm hội nhập”, trong năm 2018 ĐHQG-HCM đặc biệt chú trọng hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) và đạt những kết quả rất đáng khích lệ.
Nở rộ gương mặt khoa học mới
Trong năm qua, ĐHQG-HCM tổ chức 87 hội nghị, hội thảo trong nước; 75 hội nghị, hội thảo quốc tế và hơn 100 tọa đàm, seminar, triển lãm. Những hoạt động này đã tạo ra diễn đàn đa dạng cho giảng viên, nhà khoa học của ĐHQG-HCM và các trường thành viên được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, công bố kết quả nghiên cứu, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết của học thuật và đời sống xã hội.
Nhiều nhà khoa học của ĐHQG-HCM đã đạt những giải thưởng khoa học uy tín: PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Trường ĐH Quốc Tế với giải thưởng Tạ Quang Bửu; PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, Trường ĐH Kinh tế - Luật là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất ở châu Á trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại Pháp; TS Hoàng Thị Đông Quỳ, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và TS Nguyễn Thị Lệ Thu, Trường ĐH Bách Khoa được Hội đồng khoa học L’Oreal - UNESCO trao giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc và học bổng nghiên cứu khoa học…
Nỗ lực trong phục vụ cộng đồng
ĐHQG-HCM ký kết hợp tác với TP.HCM về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh; cải cách hành chính, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; chống ngập nước, ô nhiễm môi trường; ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Đồng thời ĐHQG-HCM cũng ký kết với tỉnh Tây Ninh về việc xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cho địa phương.
Viện Công nghệ Nano đã trao tặng Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động tại Vĩnh Long và Bến Tre. Hệ thống này giúp theo dõi và cảnh báo hiệu quả độ mặn của nước, chủ động trong việc tưới tiêu, nuôi trồng thủy hải sản và sinh hoạt. Hệ thống làm việc 24/24, cập nhật thông tin liên tục và kết nối không dây đến điện thoại di động, máy tính để cảnh báo độ mặn khi vượt ngưỡng. Trong khi đó, Phân hiệu ĐHQG-HCM tại Bến Tre phối hợp Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn tỉnh tiếp tục bàn giao các túi trữ nước ngọt cho huyện Mỏ Cày Nam. Đây là giải pháp cấp bách giúp bà con nông dân ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn thường xảy ra tại các tỉnh Tây Nam bộ trong những năm gần đây.
Công nghệ sản xuất thuốc Cartilatist được Viện Tế bào gốc chuyển giao độc quyền cho Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh trong 10 năm. Đây là loại thuốc dùng để trị bệnh thoái hóa khớp gối và thoái hóa cột sống. Cartilatist sẽ được sản xuất quy mô lớn vào năm 2019 và đánh giá lâm sàng vào năm 2020-2021. Đến nay trên thế giới có khoảng 10 sản phẩm thuốc tế bào gốc được cấp phép lưu hành.
Chương trình Tây Nam bộ sắp về đích
Năm 2018 chương trình Tây Nam bộ hoàn thành 13 nhiệm vụ khoa học công nghệ bắt đầu thực hiện từ năm 2015, nghiệm thu cấp quốc gia 11 nhiệm vụ, tiếp tục triển khai 21 nhiệm vụ bắt đầu thực hiện từ năm 2017.
Nhiều đề tài nghiên cứu trong khuôn khổ Chương trình Tây Nam bộ đạt kết quả tốt khi áp dụng vào thực tiễn, phục vụ đời sống, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó nổi bật là đề tài “Ứng dụng giải pháp bê tông cốt phi kim nhằm tăng cường tính bền vững cho các công trình kè chắn sóng ven biển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dưới tác động của biến đổi khí hậu” do Công ty BUSADCO chủ trì. Công nghệ này đã triển khai ứng dụng thí điểm 1.200m thuộc khu vực Kinh Mới - Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời).
Thí điểm mô hình KHCN mới
Ngay từ đầu năm 2018, Giám đốc ĐHQG-HCM phê duyệt đề án “Thí điểm xây dựng Trung tâm INOMAR thành Trung tâm Xuất sắc tại ĐHQG-HCM”. Mục tiêu của trung tâm này là liên kết các nhóm nghiên cứu trong nước và quốc tế để triển khai các dự án liên ngành, đa lĩnh vực nhằm tạo ra sản phẩm KHCN tầm quốc gia và quốc tế, xây dựng đội ngũ nhà khoa học và nhân viên trình độ cao, hình thành môi trường học thuật mở với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và thế giới.
Song song đó, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và thiết bị công nghiệp Trường ĐH Bách Khoa được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần. Công ty này được nâng cấp từ Tổ chức khoa học công nghệ với tên mới là Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách Khoa TP.HCM. Đây là mô hình công ty cổ phần KHCN đầu tiên của cả nước và Trường ĐH Bách Khoa sở hữu 28% cổ phần. Công ty hoạt động trên lĩnh vực kiến trúc và tư vấn kỹ thuật, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sửa chữa máy móc và thiết bị, sản xuất ô tô và xe có động cơ, xây dựng nhà và công trình kỹ thuật dân dụng…
Công bố khoa học và hợp tác quốc tế
Tính đến tháng 11/2018, ĐHQG-HCM công bố 1.953 bài báo/báo cáo hội nghị trên tất cả lĩnh vực. Riêng số bài báo công bố trên tạp chí là 859 bài, trong đó có 574 bài đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín.
Tạp chí và tạp chí của Viện Tế bào gốc được thêm vào danh mục tạp chí khoa học quốc tế thuộc Scopus. chuyên về sinh học, y học, xuất bản bằng tiếng Anh, mỗi năm 12 số, đã công bố gần 300 bài báo của các tác giả từ hơn 10 quốc gia. chuyên sâu về lĩnh tế bào gốc, cũng xuất bản bằng tiếng Anh, mỗi năm 4 số.
Năm 2018 cũng ghi dấu sự hợp tác mới giữa ĐHQG-HCM với Đại học California Los Angeles (UCLA) trong lĩnh vực nghiên cứu, công bố và thương mại hóa sản phẩm thay vì chỉ dừng lại ở hợp tác trao đổi học thuật.
Đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Thông qua Khu Công nghệ Phần mềm, ĐHQG-HCM đã hỗ trợ 40 dự án khởi nghiệp, ⅓ trong đó đã được hỗ trợ gọi vốn. Việc thành lập hai đơn vị mới Quỹ khởi nghiệp và Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sẽ làm đầu mối kiến tạo môi trường và phát hiện các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp. Đến năm 2020, cộng đồng khởi nghiệp ĐHQG-HCM sẽ có khoảng 100 doanh nghiệp, tạo ra 2.000 việc làm và 2.000 vị trí thực tập cho sinh viên mỗi năm.
Năm 2018, ĐHQG-HCM đứng vào top 701-750 các trường đại học hàng đầu thế giới, theo bảng xếp hạng QS World. Đây chính là động lực để ĐHQG-HCM tiếp tục trên con đường trở thành một hệ thống đại học trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học, công nghệ, văn hóa và tri thức Việt Nam.
THÁI VIỆT (Bản tin ĐHQG-HCM số 191-192)
Hãy là người bình luận đầu tiên