Nguyễn Hà Vân Anh, PGS.TS Nguyễn Phương Thảo, Khoa Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM
Nguyễn Phương Hiền, Trung tâm Y học phân tử, ĐH Cologne, CHLB Đức
----------
Tại sao trẻ nhỏ cũng cần tiêm vaccine ngừa COVID-19?
Trước đây, người ta vẫn nghĩ việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em là không cần thiết bởi hệ miễn dịch bẩm sinh ở trẻ em có khả năng chống lại COVID-19 cao hơn ở người lớn [1]. Thống kê từ WHO từ 2019-2021 cho thấy số ca nhiễm COVID-19 từ trẻ em từ 5-14 tuổi tuy chiếm 7% trên tổng số ca nhiễm toàn cầu, nhưng số ca tử vong lại chỉ chiếm 0.1%. Số ca tử vong của người trẻ dưới 25 tuổi do COVID-19 chiếm chưa đến 0.5% số ca tử vong trên thế giới [2]. Thế nhưng, trẻ em khi nhiễm virus cũng có thể trở thành nguồn lây lan ra cộng đồng và cho nhóm người có hệ miễn dịch kém hơn. Đồng thời, trẻ em lại chịu sự bị động cao cùng với khả năng tự bảo vệ mình thấp hơn so với người lớn, đặc biệt là nhóm trẻ có bệnh nền hoặc béo phì. Trong lúc người lớn quay lại làm việc thì những trẻ chưa tiêm vaccine phải ở nhà, đồng nghĩa với việc những đứa trẻ này cũng có khả năng lây nhiễm rất cao từ các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trong môi trường nhà ở kín và khó tuân thủ quy tắc 5K. Vậy nên, tuy không phải thuộc nhóm đối tượng ưu tiên, nhưng ở trẻ em vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trở thành nhóm đối tượng bị đe dọa khi đại dịch bùng phát, đặc biệt là với các biến chủng siêu lây nhiễm như hiện tại.
Ở Mỹ, tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em đang gia tăng lên 240%, với tỷ lệ là 1 ca từ trẻ em trên tổng số 4 ca mắc mới [3]. Một báo cáo gần đây cho thấy, tác động của việc nhiễm COVID-19 ở trẻ em có thể nghiêm trọng hơn mọi người vẫn thường nghĩ. Hệ quả có thể bao gồm cả Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em MIS-C (tên gọi khác: PIMS-TS), bao gồm tình trạng viêm nhiều bộ phận trong cơ thể, được chẩn đoán là có liên quan tới COVID-19 [4]. Ngoài ra, một số trẻ còn bị các triệu chứng nhiễm bệnh kéo dài và khó phục hồi do một số cơ quan tạo ra nhiều enzym chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2), vốn là thụ thể của virus SARS-CoV-2 [5]. Một nghiên cứu mới đây còn cảnh báo mối đe dọa từ biến chứng suy tim và đột quỵ tăng lần lượt lên 5,8 và 14 lần và kéo dài đến 1 năm sau ở những bệnh nhân đã từng nhiễm COVID-19 cấp tính và phải nhập viện [6].
Những điều trên đều cho thấy việc tiêm vaccine là cần kíp để bảo vệ tính mạng của mọi nhóm đối tượng trong xã hội, đồng thời giúp phòng tránh những hệ quả nghiêm trọng trước mắt và trong lâu dài, đặc biệt là trên nhóm đối tượng trẻ em. Bên cạnh đó, tiêm vaccine cũng giúp phụ huynh an tâm hơn khi đưa trẻ nhỏ quay lại trường học, vì dù sao việc học trực tuyến không phù hợp lâu dài và có nguy cơ ảnh hưởng tâm lý và sự phát triển của trẻ, đặc biệt là các bé ở độ tuổi mầm non và tiểu học. Việc tiêm phòng đầy đủ cũng giúp trẻ nhỏ tránh khỏi sự gián đoạn trong học tập và tránh trường hợp phải tự cách ly kéo dài nếu nhỡ có bạn học cùng được xét nghiệm mắc COVID-19.
Các nước nào đang cho phép tiêm chủng vaccine đối với trẻ em?
Hiện nay hầu hết các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Âu, cũng như một số nước tại châu Á đã chấp thuận cho phép trẻ em (dưới 18 tuổi) tiêm chủng ngừa COVID-19 (xem Bảng 1). Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt ở độ tuổi cho phép và liều lượng phù hợp với trẻ em, cũng như câu hỏi còn bỏ ngỏ rằng liệu vaccine có gây ảnh hưởng lên quá trình phát triển của trẻ sau này hay không. Từ 31/10/2021, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai việc tiêm vaccine Pfizer do Hoa Kỳ sản xuất cho học sinh độ tuổi từ 15 đến dưới 18 tuổi [7, 8]. Đến thời điểm hiện tại, 25 tỉnh thành trên khắp cả nước đã có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi, ưu tiên hình thức giảm dần độ tuổi và tiêm đủ hết 1 liều trước khi tiêm đợt 2 [9, 10]. Đầu tháng 11 vừa qua, vaccine Pfizer phiên bản dành cho trẻ em 5-11 tuổi đã được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) cấp phép khẩn cấp, với liều lượng bằng 1/3 liều sử dụng trên trẻ em từ 12 tuổi trở lên [11]. Chuyên gia từ Bộ Y Tế nhận định, việc tổ chức tiêm chủng cho trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn (3-12 tuổi) cần có kế hoạch chặt chẽ, ưu tiên nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine cho người lớn trước khi hướng đến đối tượng trẻ em [12].
Một số quốc gia khác đặc biệt cho phép trẻ em được tiêm vaccine bất hoạt từ Trung Quốc (Sinopharm và Sinovac), bao gồm Thái Lan, Sri Lanka, Peru, Campuchia, Chi Lê và tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất [13]. Ở Thái Lan, công ty nhập khẩu vaccine Sinopharm hiện đang xin phép được giảm độ tuổi tiêm vaccine ở trẻ em xuống còn ít nhất 3 tuổi [13]. Riêng Cuba sử dụng loại vaccine nội địa bào chế tên là Soberana-2 cho trẻ nhỏ từ 2 tuổi. Về vấn đề tiêm sớm cho trẻ, Thủ tướng Hun Sen (Campuchia) nhấn mạnh việc này chính là giúp bảo vệ cho bản thân chúng và cho cả giáo viên khi trường học mở cửa trở lại [14]. Bộ Y tế Malaysia cũng đưa ra kế hoạch tiêm chủng cho hơn 80% thanh thiếu niên trước thềm năm học 2022. Với tốc độ tiêm chủng hiện nay thì vào tháng 11/2021, nước này sẽ hoàn tất tiêm ít nhất một mũi cho khoảng 60% thanh thiếu niên ở độ tuổi 12-17 [15]. Theo nhận định mới nhất từ WHO vào 24/11/2021, việc tiêm chủng cho trẻ em ít có tác động trực tiếp về sức khỏe hơn người lớn tuổi, nhưng giúp mang lại lợi ích trong việc thúc đẩy các mục tiêu khác của xã hội, nhất là ở mảng giáo dục [2].
Nghiên cứu lâm sàng trên các loại vaccine hiện nay được cho phép tiêm ở trẻ em
Nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em đã được thực hiện cùng với số lượng lớn trẻ từ nhiều nhóm độ tuổi khác nhau. Gần đây nhất, một nghiên cứu trên vaccine Sinopharm thực hiện tại Trung Quốc vừa được công bố vào tháng 9/2021 với hai giai đoạn, giai đoạn 1 bao gồm 288 trẻ và giai đoạn 2 bao gồm 720 trẻ, cho thấy vaccine kích hoạt miễn dịch và không gây các phản ứng nghiêm trọng ở trẻ từ 3-17 tuổi [17]. Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng vừa hoàn tất tuyển chọn 900 trẻ em ở độ tuổi 3-17 để đánh giá hiệu quả của vaccine Sinopharm [18]. Bên cạnh đó, cuộc thử nghiệm của hai vaccine mRNA từ Pfizer và Moderna cũng cho thấy hiệu quả hơn 90% và ít có triệu chứng gây hại ở đối tượng trẻ em trên 12 tuổi [19, 20]. Pfizer cũng vừa hoàn tất cuộc thử nghiệm cho đối tượng 5-11 tuổi, sử dụng liều lượng vaccine chỉ bằng 1/3 so với liều bình thường cho người trưởng thành và kết luận vaccine của hãng giúp nhóm trẻ em tạo ra lượng kháng thể trung hòa tương đương với lượng kháng thể tạo ra cho nhóm người lớn [21]. Tuy nhiên, điều khiến nhiều phụ huynh cảm thấy lo ngại là đã có nghiên cứu cho thấy vaccine sử dụng công nghệ mRNA (như Pfizer và Moderna) có khả năng gây ra viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim ở thanh thiếu niên, đặc biệt là ở nam và các đối tượng trên 16 tuổi [22]. Triệu chứng này xuất hiện sau khi tiêm mũi thứ 2 và thường bao gồm tình trạng đau ngực, nhịp tim nhanh, hay hụt hơi. Các trường hợp hầu hết không có diễn biến xấu, tuy có một số ít phải nhập viện. Tuy nhiên, Mỹ cũng đã cảnh báo về sự cố này và đang tích cực xem xét trước khi cấp phép khẩn cấp cho vaccine Pfizer được sử dụng ở trẻ em dưới 12 tuổi. Trong khi đó, chính quyền Thụy Điển thì đã quyết định dừng việc tiêm vaccine Moderna ở nhóm đối tượng dưới 30 tuổi để tiếp tục điều tra [23]. Nghiên cứu lâm sàng của vaccine AstraZeneca cũng từng bị buộc phải dừng lại vào đầu năm do nghi ngờ gây hội chứng đông máu ở người trẻ tuổi [16]. Tuy nhiên, các rủi ro khi tiêm vaccine được nhận định là thấp và không đáng ngại nếu so với lợi ích của tiêm đầy đủ vaccine để giữ an toàn cho trẻ em [24]. Bên cạnh các nghiên cứu trên, Johnson & Johnson và Novavax cũng đang tiến hành thử nghiệm trên đối tượng 12-17 tuổi và sẽ sớm công khai kết quả.
Lý do nào dẫn đến sự cố viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine mRNA?
Vaccine mRNA như Pfizer hay Moderna có chứa đoạn mRNA mã hóa cho protein gai đặc hiệu của virus SARS-CoV-2. Những đoạn mRNA này được vận chuyển vào trong tế bào, kích thích tế bào sinh ra protein có gai, từ đó huấn luyện cho hệ miễn dịch nhận diện và tiêu diệt virus mang protein gai tương tự. Việc thay đổi nucleoside của phân tử mRNA chứa trong vaccine làm giảm tính sinh miễn dịch của chúng đối với hệ miễn dịch tự nhiên, tuy nhiên trong trường hợp người có tiền sử phản ứng miễn dịch do di truyền thì sẽ phản ứng mạnh hơn với thành phần mRNA từ vaccine và kích hoạt chế độ phản ứng miễn dịch quá khích. Nguyên nhân có thể là do tế bào chuyên trình diện kháng nguyên (dendritic cells) và thụ thể giống Toll (Toll-like receptor cells) nhận diện mRNA của vaccine là kháng nguyên gây hại, dẫn đến kích thích sự viêm tấy và cuối cùng là hội chứng viêm cơ tim.
Một nguyên nhân nữa có thể dẫn tới viêm cơ tim là từ phản ứng sinh ra tự kháng thể (kháng thể không phân biệt được kháng nguyên ngoại lai và kháng nguyên của cơ thể), từ đó tấn công nhiều kháng nguyên, trong đó có các kháng nguyên điều hòa hoạt động tế bào cơ, làm cho tế bào cơ bị rối loạn và gây viêm cơ tim. Việc triệu chứng này chủ yếu xuất hiện ở giới tính nam có thể được giải thích rằng nam giới, đặc biệt các bé trai ở tuổi dậy thì, thường sản sinh hormone testosterone nhiều hơn. Loại hormone này có thể làm giảm hoạt động của tế bào chống viêm và gia tăng hoạt động của cụm tế bào Th1, các tế bào gia tăng sản xuất cytokine tiền viêm, góp phần tăng cơ chế viêm của cơ thể. Một lý do khác có thể kể đến là chẩn đoán ở nữ giới thấp hơn của nam giới nên phần lớn số liệu cho thấy nam giới dễ mắc chứng viêm cơ tim sau tiêm vaccine hơn [25].
Kết luận về việc tiêm phòng vaccine COVID-19 cho trẻ em
Cho đến thời điểm hiện tại, các loại vaccine được cho phép sử dụng ở trẻ em tại nhiều quốc gia bao gồm vaccine của Pfizer, Moderna, Sinopharm và Sinovac. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ vẫn khuyến nghị việc tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ cho trẻ em trên 12 tuổi. Thông qua các cuộc thử nghiệm, hiện vẫn chưa có thông tin nào đáng lo ngại về ảnh hưởng của các vaccine trên lên sức khỏe cũng như hệ gien của trẻ em. Riêng ở Việt Nam, kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em hiện đang được triển khai cấp bách trên cả nước, với dự định mở rộng cho nhóm đối tượng trẻ nhỏ hơn trong năm 2022 sau khi đã có phương án cụ thể và cơ sở khoa học đầy đủ về liều lượng an toàn và phù hợp.
Điều cần thiết bây giờ là các bậc phụ huynh cần chuẩn bị chu đáo, loại bỏ tâm lý hoang mang và sắp xếp đưa trẻ trong độ tuổi hợp lệ đi tiêm vaccine ngay khi có hướng dẫn chính thức từ Bộ Y tế nhằm giúp các cháu có được sự bảo vệ và tránh những hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng nếu lỡ nhiễm COVID-19. Ngoài ra, đối với những mối lo từ sự cố vaccine mRNA, Bộ Y tế Singapore đặc biệt khuyến cáo cần chú ý theo dõi kỹ biểu hiện phản ứng của trẻ và tránh cho trẻ tham gia các hoạt động thể lực quá sức trong vòng một tuần sau khi tiêm [26]. Việc tiêm phòng vaccine cho trẻ không chỉ giúp ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng, mà còn giúp giảm thiểu sự gián đoạn trong việc học tập, giúp trẻ sớm quay lại trường và tham gia các hoạt động vui chơi, sinh hoạt phù hợp với phát triển của lứa tuổi.
Tài liệu tham khảo:
[1] Pierce, C. A., Sy, S., Galen, B., Goldstein, D. Y., Orner, E., Keller, M. J., ... & Herold, B. C. (2021). Natural mucosal barriers and COVID-19 in children. medRxiv.
[2] WHO (2021) Interim statement on COVID-19 vaccination for children and adolescents. Từ:
[3] Bộ Y tế (2021). Vaccine Pfizer an toàn với trẻ 5-11 tuổi, tiếp tục thử nghiệm trên trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi (2021). Từ:
[4] Boston public health commission fact sheet (2021). MIS-C. Từ:
[5] Dr. Liji Thomas, M. (2021). Long-term effects of COVID-19 in children. Từ:
[6] Al-Aly, Z., Bowe, B., Xie, Y., & Xu, E. (2021). One-year Risks and Burdens of Incident Cardiovascular Disease in COVID-19: Cardiovascular Manifestations of Long COVID. doi: 10.21203/rs.3.rs-940278/v1
[7] Tuổi Trẻ Online (2021). TP.HCM đã tiêm vắc xin cho 350.000 trẻ, còn 2-3 ngày nữa sẽ hoàn thành kế hoạch. Từ:
[8] Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng (2021). Từ 2-11: Đà Nẵng bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 15 đến dưới 18 tuổi. Từ:
[9] Bộ Y tế (2021). 24 tỉnh, thành nào đã tiêm hơn 2 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi? Từ:
[10] Sức khỏe đời sống (2021). Từ:
[11] FDA (2021). FDA Authorizes Pfizer-BioNTech COVID-19 Vaccine for Emergency Use in Children 5 through 11 Years of Age. Từ:
[12] Tuổi Trẻ Online (2021). Tiêm vắc xin cho trẻ từ 3 đến dưới 12 tuổi: Cần nhưng không vội. Từ:
[13] The countries that are vaccinating children against Covid-19. WRAL.com. (2021). Từ:
[14] Reuters. (2021). Cambodia starts coronavirus vaccinations for young children. Từ:
[15] Straitstime (2021). 80% of eligible kids in Malaysia to be fully vaccinated before school reopens in 2022. Từ:
[16] Melbourne Children's Campus. (2021). Weekly COVID-19 Vaccine Updates. Từ:
[17] Xia, S., Zhang, Y., Wang, Y., Wang, H., Yang, Y., Gao, G. F., ... & Yang, X. (2021). Safety and immunogenicity of an inactivated COVID-19 vaccine, BBIBP-CorV, in people younger than 18 years: a randomised, double-blind, controlled, phase 1/2 trial. The Lancet Infectious Diseases.
[18] Staff, R. (2021). UAE company nears end of Chinese Covid-19 vaccine trial. Từ:
[19] Frenck Jr, R. W., Klein, N. P., Kitchin, N., Gurtman, A., Absalon, J., Lockhart, S., ... & Gruber, W. C. (2021). Safety, immunogenicity, and efficacy of the BNT162b2 Covid-19 vaccine in adolescents. New England Journal of Medicine.
[20] Moderna Announces TeenCOVE Study of its COVID-19 Vaccine in Adolescents Meets Primary Endpoint and Plans to Submit Data to Regulators in Early June | Moderna, Inc. (2021). Từ:
[21] Pfizer (2021). Pfizer and BioNTech Announce Positive Topline Results From Pivotal Trial of COVID-19 Vaccine in Children 5 to 11 Years. Từ:
[22] Myocarditis after BNT162b2 mRNA Vaccine against Covid-19 in Israel | NEJM. (2021). New England Journal Of Medicine. Retrieved from
[23] McEvoy, J. (2021). Sweden Halts Moderna Vaccine For Young People Over Possible Rare Side Effects. Từ:
[24] Heart risks rare after Pfizer Covid vaccination, study finds. (2021). Từ:
[25] Bozkurt, B., Kamat, I., & Hotez, P. J. (2021). Myocarditis with COVID-19 mRNA vaccines. Circulation, 144(6), 471-484.
[26] MOH. (2021). The Expert Committee on COVID-19 Vaccination. Từ:
Hãy là người bình luận đầu tiên