Tết Kỷ Hợi 2019 đến gần, những sinh Việt Nam tha phương ai cũng mong mua được vé xe để nhanh chóng về quê sum họp cùng gia đình. Còn các bạn sinh viên nước ngoài không có điều kiện về nước sẽ đón Tết ở Việt Nam ra sao?
* Ryuta Yamada - sinh viên trao đổi ngành Quản trị Kinh doanh, : Ở Nhật không còn tết cổ truyền
Khi còn ở Nhật, tôi đã nghe bạn bè nói nhiều đến Việt Nam, một quốc gia có nền văn hóa lâu đời ở Đông Nam Á. Từng trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau như New Zealand, Malaysia và Thái Lan, tôi hy vọng được một lần đến Việt Nam. Và cuối năm 2017, nguyện vọng của tôi đã thành hiện thực. Tôi đến Việt Nam bằng hình thức sinh viên trao đổi.
Nhờ vậy, tôi được trải nghiệm Tết Nguyên đán của người Việt. Ở Nhật, từ lâu người ta không còn tổ chức tết dân tộc nữa.
Năm mới ở Nhật bắt đầu từ ngày 30, kéo dài 4 ngày. Người Nhật chỉ được nghỉ Tết dương lịch tầm 4 đến 7 ngày vì các công ty Nhật không cho nhân viên nghỉ nhiều hơn. Còn ở Việt Nam, mọi người được nghỉ Tết Nguyên đán khá dài. Dường như đây là dịp lễ quan trọng nhất của người Việt. Cũng như người Việt đi chùa đầu năm để hái lộc, người Nhật sẽ đến những ngôi đền để cầu sự may mắn. Mọi người thường đến thăm nhau, gặp gỡ trò chuyện về một năm đã qua, trao đổi tiền mừng tuổi. Người Nhật còn thảy đồng xu và rung chuông cầu sự may mắn vào năm mới. Một điểm khá đặc biệt nữa là ở Nhật cũng cho tiền lì xì vào một bao nhỏ, nhưng nó đơn giản thôi, không đặc sắc như ở Việt Nam. Bao lì xì ở đây có nhiều kích cỡ hơn, trang trí sặc sỡ hơn.
Trong dịp Tết vừa rồi, một bạn người Việt đã mời tôi đến nhà ăn tối. Có thịt kho, chả giò… Tôi không thể nhớ hết được tên của các món ăn, nó khá nhiều. Nhưng chúng đều rất ngon. Tôi chưa có dịp ăn thử bánh chưng vào dịp Tết, nhưng hay nghe bạn bè Việt Nam kể về nó. Tôi nghĩ nó khá giống với bánh Mochi của Nhật. Đó là điều khá đáng tiếc.
Nếu được dùng một từ để nói về năm nay của mình thì đó là “bận rộn”. Còn hai tuần nữa là hết năm, mình vừa phải hoàn thành việc ở công ty vừa phải làm xong bài luận tốt nghiệp, kết thúc học kỳ ở Việt Nam. Vì vậy, chắc mình sẽ bỏ lỡ ăn Tết cùng gia đình ở Nhật.
* Emelie Hong - sinh viên trao đổi ngành Quản trị Kinh doanh - : Tết Nguyên đán là những chuyến đi
Tôi đã quen thuộc với văn hóa Việt Nam qua những người bạn Việt của mình ở Thụy Điển nên tôi chọn Việt Nam là điểm đến để khám phá về đất nước và văn hóa nơi đây.
Thực ra, tôi cũng rất quen thuộc Tết Nguyên đán vì có bố mẹ là người châu Á. Những người họ hàng từ Việt Nam cũng thường đến thăm gia đình tôi tại Thụy Điển. Vào dịp Tết, gia đình tôi chỉ làm đồ ăn Việt Nam như chả giò, gỏi. Các món còn lại là đồ ăn Thái cùng nhiều món ăn của các nước khác, nó hẳn không đặc biệt như Tết ở Việt Nam. Tết là một dịp lễ quan trọng ở Việt Nam, nhưng ở Thụy Điển, chỉ có gia đình tôi tổ chức với nhau thôi.
Tết vừa qua, tôi dành trọn thời gian bên bạn bè. Tôi có một chuyến đi dài đến Đà Lạt và Mũi Né cùng với những sinh viên trao đổi khác. Đó là kỷ niệm rất đáng nhớ. Vì ở Thụy Điển, Tết Nguyên đán là dịp mọi người dành cho gia đình còn Tết dương lịch mới là dịp dành cho bạn bè.
Thật đáng tiếc khi tôi phải trở lại Thụy Điển vào tháng tới. Vì vậy, Tết Nguyên đán 2019 này, tôi sẽ ăn Tết một mình ở Thụy Điển. Tôi thích được nhận lì xì trong dịp này lắm. Bây giờ tôi đã sống tự lập, không còn sống với gia đình nữa nên được lì xì là một điều khó.
* Song Hyun Seung - sinh viên năm II, Khoa Việt Nam học, : Chuẩn bị đón Tết thứ sáu ở Việt Nam
Ba tôi sang làm việc tại Việt Nam từ năm 2008. Do đó, tôi đã ở đây cùng với gia đình cho đến năm 2012. Sau đó, mình trở về Hàn Quốc, đến năm 2016 mới quay lại. Có thể nói, tôi đã năm lần đón Tết cổ truyền của người Việt. Năm tới đây sẽ là mùa xuân thứ sáu tại Việt Nam.
Người Việt và người Hàn đón Tết có khá nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều dành nhiều thời gian cho gia đình. Tuy nhiên, ở Việt Nam, không chỉ người lớn lì xì cho trẻ con mà bạn bè hay người nhỏ tuổi cũng lì xì cho người lớn tuổi. Còn người Hàn Quốc quan niệm rằng khi họ bắt đầu làm việc và có lương thì mới lì xì cho người nhỏ hơn. Riêng tôi, hằng năm chỉ nhận được lì xì của ba mẹ, chứ chưa lì xì cho ai.
Tôi rất thích ăn cơm với gia đình vào dịp Tết vì cảm thấy ấm áp và sum họp. Chỉ cần có gia đình, dù ở Việt Nam hay Hàn Quốc, tôi vẫn cảm thấy Tết thật trọn vẹn. Ngoài bánh tét của người Việt, mẹ của tôi còn chuẩn bị món Jeon - món ăn truyền thống của người Hàn vào dịp đầu năm mới.
Trong dịp Tết sắp tới đây, tôi sẽ cùng gia đình đi du lịch ở Phú Quốc trong 3 ngày.
* Jung Joo Hee - sinh viên năm II, khoa Việt Nam học, : Quyết tâm giảm cân... để mặc áo dài
Mẹ và tôi đều muốn sống ở Việt Nam vì gia đình không thích nền giáo dục áp đặt của Hàn Quốc. Mẹ muốn tôi và em gái được học tự do theo sở thích của mình chứ không phải chịu nhiều áp lực. Thi vào đại học ở Hàn cạnh tranh căng thẳng hơn Việt Nam rất nhiều.
Năm nay là năm thứ ba tôi đón Tết ở Việt Nam. Tôi đã được những người bạn ở Việt Nam mời ăn bánh chưng. Nó rất ngon, có nhân đậu thịt ở bên trong, ở ngoài là nếp, hương vị rất đặc biệt. Khác với người Việt Nam khi đón Tết sẽ mặc áo dài, người Hàn bây giờ ít mặc Hanbook vì nó khá phức tạp và giá của bộ trang phục này rất đắt. Nhất định tôi sẽ giảm cân để mặc áo dài Việt Nam vừa vặn hơn trong dịp Tết.
Tôi có người bạn Việt Nam lớn hơn 4 tuổi, tên Trang, đang theo học khoa Hàn Quốc học. Chị rất thân thiện và dễ mến. Chị Trang là người lì xì đầu năm cho tôi 50.000 đồng. Chị cũng là người giới thiệu cho tôi rất nhiều về văn hóa Tết Việt trong ba ngày đầu năm. Ngày đầu tiên, là ngày đoàn viên bên gia đình. Ngày thứ hai, là để chúc mừng thầy cô. Và cuối cùng là ngày họp mặt bạn bè. Người Việt Nam hay uống rượu nhiều vào ngày Tết. Tôi nghĩ, điều này không tốt lắm. Ngày Tết ở TP.HCM thường thưa thớt, khác với ở Seoul đông đúc nên tôi cũng ít ra ngoài, chỉ ở nhà họp mặt gia đình.
Tôi cực kỳ thích xem pháo hoa ở TP.HCM. Đến lúc giao thừa, từ ô cửa sổ của căn chung cư tận quận 7, tôi nhìn ra đã thấy rõ trời pháo hoa rực rỡ. Có lẽ, đây là điều tôi ấn tượng nhất với mùa xuân ở Việt Nam.
KIM QUYÊN - NGUYỄN NHUNG (Bản tin ĐHQG-HCM số 191-192)
Hãy là người bình luận đầu tiên