cá cược thể thao trực tuyến là gì - web cá độ thể thao uy tín

Sinh viên ĐHQG-HCM

Trường ĐH Quốc Tế có 2 sinh viên đoạt Giải thưởng Nữ sinh KHCN Việt Nam năm 2023

  • 27/11/2023
  • Với thành tích nghiên cứu khoa học (NCKH) nổi bật trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Võ Quốc Hoàng Quyên - sinh viên Khoa Kỹ thuật Y sinh và Nguyễn Hoàng Kim Long - sinh viên Khoa Công nghệ Sinh học đã góp mặt trong danh sách 20 nữ sinh toàn quốc nhận Giải thưởng Nữ sinh KHCN Việt Nam năm 2023 do Trung ương (T.Ư) Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

    Hoàng Quyên đang làm thí nghiệm tại PTN Quang tử Y sinh, Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM. Ảnh: Hương Nhu

    Làm khoa học là cách thư giãn

    Lớn lên trong gia đình có mẹ là giáo viên dạy vật lý nên từ nhỏ, Hoàng Quyên đã mải mê xem mẹ làm thí nghiệm và yêu thích môn học này lúc nào không hay. Đó cũng là động lực khiến nữ sinh quê Long An chọn hướng nghiên cứu về quang học và ứng dụng của quang học trong chẩn đoán hình ảnh y sinh khi theo học chuyên ngành Thiết bị Y tế. 

    Quyên nói thêm: “Trong định hướng đào tạo về Thiết bị y tế và Tín hiệu hình ảnh y sinh, có hai mảng chính là NCKH hoặc thiết kế thiết bị y tế. Mình thấy hướng nghiên cứu phù hợp hơn nên vào năm thứ 2, mình đã xin vào phòng thí nghiệm (PTN) trong khoa. Đây cũng là lúc mình thực sự nghiêm túc theo đuổi NCKH”.

    Trước khi chọn được hướng phù hợp là quang học thì Quyên đã có một năm trải nghiệm nghiên cứu về thần kinh học dưới sự hướng dẫn của TS Hà Thị Thanh Hương - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học Tái tạo. Tại PTN do TS Hương phụ trách, Quyên học được nhiều phương pháp làm việc, song, vốn yêu thích vật lý nên cô thấy quang học là hướng gần gũi và có nhiều không gian phát triển hơn. Thế là nữ sinh đã chuyển sang PTN Quang tử Y sinh của PGS.TS Phạm Thị Thu Hiền - Trưởng Bộ môn Thiết bị Y tế. 

    Theo PGS.TS Thu Hiền, Quyên tham gia nhóm nghiên cứu với vai trò là một trong những thành viên chủ chốt của dự án chẩn đoán ung thư vú dựa trên hình ảnh phân cực ánh sáng, hình ảnh mô bệnh học và mô hình trí tuệ nhân tạo. 

    Cũng tại đây, Hoàng Quyên đã thực hiện khóa luận tốt nghiệp với đề tài Hệ thống ánh sáng phân cực không xâm lấn phát hiện ung thư vú trên chuột dựa trên ứng dụng học máy để phân loại hình ảnh thu thập được bằng phép biến đổi ma trận Mueller và đề tài này đã được đăng trên kỷ yếu Hội nghị Quốc tế về Phát triển Kỹ thuật Y sinh lần IX. 

    “Những phương pháp chẩn đoán ung thư thông thường như CT và MRI có nhiều hạn chế và tác dụng phụ. Vì thế, mình mới chọn phương pháp không xâm lấn an toàn hơn là sử dụng ánh sáng. Cụ thể, mình gây ung thư vú lên chuột rồi chiếu tia laser và chụp những tính chất phân cực ở ánh sáng trên chuột để so sánh sự khác nhau giữa mô ung thư vú với mô thường” - nữ sinh phân tích. 

    Đề tài khóa luận được Quyên thực hiện trong 10 tháng, kể từ tháng 5/2022. Trong thời gian đó, có những ngày cô phải “vật lộn” với nỗi sợ chuột và có những đêm ngủ lại PTN. Nhưng đối với Quyên, cảm giác ở trong PTN và đắm chìm vào nghiên cứu vẫn luôn thoải mái và hào hứng.

    Cũng như Hoàng Quyên, Kim Long xem PTN là không gian của riêng mình. Với nữ sinh, làm khoa học chính là cách thư giãn và tìm về với vùng an toàn. Cô nói: “Nhiều người thường nghĩ làm khoa học rất mệt nhọc nhưng với mình, công việc này giúp mình học thêm nhiều điều, đồng thời được thỏa mãn bản tính tò mò”. 

    Bắt đầu tham gia NCKH từ năm thứ 2, Long xem đó như một cách trải nghiệm và kiểm nghiệm những kiến thức học trên lớp. Sau thời gian làm việc trong nhóm nghiên cứu của TS Lê Quang Phong - Trưởng Bộ môn Hóa ứng dụng, cô dần cảm thấy mình đang đi đúng hướng và thực sự yêu thích công việc này. 

    Là sinh viên chuyên ngành Hóa Sinh nên Kim Long theo hướng nghiên cứu cơ bản về hóa hữu cơ và đã có một số đề tài về công nghệ nano được công bố rộng rãi. Điển hình là đề tài Nghiên cứu tạo sợi nano electrospun chứa diosmetin và nano bạc sử dụng dịch chiết thân cây thanh long làm tác nhân khử ổn định đoạt giải công trình NCKH sáng tạo tiêu biểu toàn quốc trong khuôn khổ Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo 2022 do T.Ư Đoàn trao tặng.  

    Tuy nhiên, khi được hỏi về đề tài tâm đắc nhất, Long lại kể đến một đề tài hoàn toàn khác với hướng nghiên cứu chính, đó là dùng điện não đồ để chẩn đoán bệnh rối loạn phân cực, được đăng trong kỷ yếu Hội nghị Sinh học Quốc tế 2022. Lý giải về điều này, nữ sinh quê Bình Thuận cho hay, đề tài này đã giúp cô tiến gần hơn một bước tới lĩnh vực nghiên cứu mà bản thân thực sự yêu thích là thần kinh học.

    Cô bộc bạch: “Trong quá trình học, mình phải đối mặt với nhiều khó khăn về cảm xúc, trí nhớ. Mình muốn nghiên cứu sâu về lĩnh vực này để giúp người trẻ cải thiện sức khỏe não bộ”. 

    Kim Long vẫn muốn gắn bó với NCKH trong tương lai. Ảnh: Hương Nhu

    Giải thưởng đánh dấu sự trưởng thành

    Khi biết tin mình nhận được Giải thưởng Nữ sinh KHCN Việt Nam, Hoàng Quyên cảm thấy vô cùng bất ngờ và nghĩ rằng giải thưởng này có ý nghĩa lớn đối với bản thân. “Giải thưởng đã đánh dấu sự trưởng thành của mình trong 4 năm qua, đồng thời công nhận những kết quả nghiên cứu của mình và khích lệ mình tiếp tục gắn bó với NCKH” - nữ sinh bày tỏ.

    Là người chứng kiến những nỗ lực của Hoàng Quyên trong suốt thời gian qua, PGS.TS Phạm Thị Thu Hiền chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng Giải thưởng Nữ sinh KHCN Việt Nam 2023 là một thành quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của Quyên. Tôi tin em chắc chắn sẽ thành công không chỉ trong nghiên cứu mà còn ở bất kỳ công việc tương lai nào mà em lựa chọn”. 

    Bản thân Quyên cũng đã tự vạch ra cho mình những kế hoạch học tập, làm việc cụ thể. Ngay từ năm thứ 3 đại học, cô đã học xong các môn trong chương trình liên thông thạc sĩ. Bên cạnh việc học tập và nghiên cứu, nữ sinh cũng đang trải nghiệm làm việc tại doanh nghiệp để xem bản thân phù hợp với môi trường nào hơn. Trước mắt, cô sẽ cố gắng hết sức để vừa đi làm, vừa hoàn thành luận văn thạc sĩ. Đối với đề tài luận văn, Quyên cũng đã có một vài ý tưởng như nghiên cứu chẩn đoán bệnh ung thư vú trên mẫu vật khác hoặc cải tiến về kích thước của hệ quang trong PTN. 

    Không chỉ với Hoàng Quyên, Giải thưởng Nữ sinh KHCN Việt Nam năm nay cũng là một cột mốc đáng nhớ đối với Kim Long. “Mình biết đến giải thưởng này từ năm ngoái, nhưng lúc đó bận lo cho dự án thi Giải thưởng Sinh viên NCKH - Euréka nên mình đã lỡ mất thời gian nộp hồ sơ. Vì sự nuối tiếc đó mà mình đã nỗ lực hết sức trong một năm vừa qua với quyết tâm chinh phục danh hiệu này. Có thể nói, Giải thưởng Nữ sinh KHCN Việt Nam đã tiếp thêm động lực cho mình phát triển và tự tin hơn” - Kim Long tâm sự. 

    Trong tương lai, Long vẫn muốn gắn bó với NCKH. Nữ sinh cũng có dự định xin học bổng học thạc sĩ để nghiêm túc theo đuổi hướng nghiên cứu về thần kinh học. Long còn muốn thành lập một doanh nghiệp tạo tác động xã hội bằng cách biến các NCKH “trên giấy” thành hiện thực và ứng dụng rộng rãi trong đời sống.

    “Mình nghĩ cách tốt nhất để giúp cho cộng đồng chính là kinh doanh. Đây cũng là một quyết định khá táo bạo vì mình là dân chuyên về kỹ thuật. Nhưng mình nghĩ bản thân vẫn có một số lợi thế so với những người học kinh doanh thuần túy, ví dụ như dễ dàng tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao và có thể tự chủ hơn khi kinh doanh” - Kim Long thổ lộ. 

    Đối với nữ sinh, mọi ý tưởng không chỉ nằm trong đầu, mà cô luôn cố gắng từng ngày để hiện thực hóa chúng. Minh chứng là Kim Long đã thử sức với nhiều cuộc thi về khởi nghiệp và từng giành Giải Nhất cuộc thi Thử thách Công dân số 2022 với dự án Chương trình STEM về nông nghiệp thông minh

    Đồng hành với Nguyễn Hoàng Kim Long từ những ngày đầu đến với khoa học, TS Lê Quang Phong cho biết: “Điều tôi ấn tượng nhất ở Long là đức tính tự lập và nghiêm túc. Đây cũng là các tố chất cần thiết cho việc nghiên cứu. Ngoài ra, nhờ sự chủ động giải quyết vấn đề mà các đề tài do em phụ trách đều được đánh giá rất tốt. Tôi nghĩ rằng Long sẽ sớm tìm được hướng đi phù hợp với đam mê và kế hoạch tương lai”.

    HƯƠNG NHU - THU THẢO

    Góp phần đào tạo nguồn cán bộ khoa học công nghệ nữ

    Giải thưởng Nữ sinh KHCN Việt Nam có tiền thân là “Phần thưởng dành cho nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ thông tin” do T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức hằng năm, bắt đầu từ năm 1997.

    Giải thưởng nhằm tuyên dương những nữ sinh viên có thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc trong một số lĩnh vực khoa học công nghệ đặc thù, góp phần đào tạo nguồn cán bộ khoa học công nghệ nữ có chất lượng tham gia phát triển đất nước.

     

     

    Hãy là người bình luận đầu tiên