ThS Nguyễn Lê Thành Minh, Khoa Luật, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM
-------------
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu tác động của quyền sở hữu công nghiệp đối với các công ty trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19. Cụ thể hơn, nghiên cứu đưa ra lý luận về nhãn hiệu và một phần của sáng chế, tác động của nó đối với việc phát triển các loại vaccine, thuốc điều trị phòng, chống dịch bệnh do virus corona gây ra. Thứ hai, kết quả đạt được bao gồm một số bình luận về thực trạng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam, đồng thời mang đến một góc nhìn riêng về những công việc cần ưu tiên được quan tâm trong tương lai của các công ty tại Việt Nam đối với khái niệm nhãn hiệu.
Abstract
This study was conducted to understand the impact of industrial property rights on companies during the Covid-19 pandemic. More specifically, the study first provides a rationale for trademark and, as part of invention, its impact on the development of pharmacological products to prevent the coronavirus epidemic. Second, the obtained results include some comments on the state of industrial property rights registration in the world and in Vietnam, and at the same time provide a perspective on priority tasks that need to be considered in future interest of companies in Vietnam towards the concept of trademark.
Từ khóa: Covid-19, nhãn hiệu, sáng chế, vaccine, Việt Nam
Keywords: Covid-19, trademark, patent, vaccine, Vietnam
- Giới thiệu
Đại dịch Covid-19 khởi phát từ cuối năm 2019, đầu 2020 và diễn biến phức tạp, kéo dài, cho đến nay đã và đang gây ra nhiều hậu quả khó lường trong nhiều mặt trên toàn cầu. Việc phòng, chống dịch bệnh này là chưa có tiền lệ với toàn cầu, tuy nhiên thực tế trong năm 2020 vừa qua, các quốc gia trên thế giới đã thích nghi rất nhanh với tình trạng này, thể hiện qua việc vừa nghiên cứu, tìm cách ngăn ngừa dịch bệnh bằng nhiều cách thức, vừa rút kinh nghiệm và cập nhật những kiến thức đã thu thập được. Trong đó, nghiên cứu tìm hiểu và phát triển các loại công cụ, phương tiện phòng, chống dịch bệnh, như thuốc sát khuẩn, khẩu trang và quan trọng nhất hiện nay là vaccine,…luôn được ưu tiên hàng đầu, dù là ở bất kỳ quốc gia nào. Tuy vậy, dưới góc nhìn của những nhà nghiên cứu luật và nhà nước, một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc phát triển này nằm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, mà cụ thể là phạm trù “nhãn hiệu trong hệ thống quyền sở hữu công nghiệp”.
Từ đầu năm 2021 đến nay, một loạt những cuộc chạy đua nghiên cứu và giới thiệu các loại vaccine để phòng, chống Covid-19 được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau trên toàn thế giới, như những “viên đạn bạc” tại Mỹ, gồm công ty dược phẩm Pfizer cùng với loại vaccine cùng tên; vaccine Moderna bởi tập đoàn Moderna, Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID),… và còn rất nhiều những công ty khác đang ra sức nghiên cứu trong thời gian sớm nhất để có được loại vaccine hiệu quả nhất, giúp đưa thế giới trở lại trạng thái bình thường trước đây. Trong khi đó, một số quốc gia như Ấn Độ và Nam Phi đưa ra quan điểm muốn đẩy nhanh tiến độ phát triển vaccine bằng cách đề xuất Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bỏ đi quy trình đăng ký phát minh và nhãn hiệu cho những liệu pháp chống Covid-19. Điều này có thực sự giúp cho các loại vaccine và rộng hơn là nhiều sản phẩm phòng chống Covid-19 khác có thể đến tay mỗi công dân trên toàn thế giới được nhanh hơn? Nghiên cứu sẽ đưa ra góc nhìn khách quan về những hệ quả mà nhãn hiệu và bằng sáng chế mang đến đối với đại dịch Covid-19 hiện nay, qua đó có thể gợi ý thêm cho việc bổ sung các quy phạm pháp luật, đưa ra hướng dẫn cần thiết trong việc thiết lập những chiến lược cần thiết trong hoạt động nghiên cứu vaccine thời gian tới.
- Cơ sở lý thuyết
Khái niệm về nhãn hiệu
Sau đây, để làm rõ hơn nội hàm của khái niệm “nhãn hiệu”, bài viết sẽ viện dẫn một số khái niệm phổ biến về “nhãn hiệu” được công nhận trên thế giới.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó gồm đa số các quốc gia ở khu vực Nam Mỹ và châu Âu, hệ thống pháp luật về thương mại nói chung, cũng như về nhãn hiệu nói riêng, mang nội dung và quan điểm khá tương đồng với nhau. Một cách khái quát, những nhà làm luật nhận thấy cần thiết phải phát triển một ý tưởng về nhãn hiệu từ sớm, để từ đó thiết lập những văn bản hướng dẫn về những yếu tố cần có trong một nhãn hiệu. Để làm được điều này, ba hệ thống đã được đưa ra để định nghĩa một nhãn hiệu dưới góc độ pháp lý. Thứ nhất, bao gồm định nghĩa nhãn hiệu một cách khái quát, tạo ra một ý tưởng bao quát, có thể bao hàm những dấu hiệu khác nhau có thể được quy định là nhãn hiệu. Như vậy theo khía cạnh này, luật cần sẵn sàng chấp nhận những kiểu nhãn hiệu mới có thể xuất hiện trên thị trường, sau khi đã được chính nó thông qua. Bất cập lớn nhất dành cho hệ thống này chính là việc mang một khái niệm bao quát như vậy sẽ làm cho nội hàm của nó không thể xác định được, có thể làm cho việc khoanh vùng những nhãn hiệu được bảo hộ sẽ gặp khó khăn hơn.
Hệ thống khả dĩ thứ hai là việc liệt kê cụ thể những loại nhãn hiệu mà nhà nước có thể nghĩ ra và ước lượng trong tương lai và cụ thể hóa vào quy định của văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó, có thể đảm bảo rằng chỉ những loại nhãn hiệu được liệt kê ở đó sẽ được nhà nước thừa nhận và ngược lại những nhãn hiệu không nằm trong hệ thống liệt kê sẽ không được nhà nước chấp nhận và bảo hộ. Điều này rõ ràng tạo ra sự chắc chắn, cụ thể và mang tính đảm bảo cho hệ thống pháp luật hơn. Tuy nhiên, như một quy luật tự nhiên, sự cứng nhắc vẫn ẩn chứa trong nó khả năng dẫn tới những hệ lụy trong tương lai, khi mà việc thiếu tính linh hoạt có thể làm cho những quy định nhãn hiệu dần trở nên lỗi thời, không bắt kịp theo nhu cầu của xã hội. Thực tế đã chứng minh, có những loại nhãn hiệu “phi truyền thống” mới xuất hiện sau này, như nhãn hiệu không nhận biết được bằng thị giác (âm thanh, mùi vị,,…) và hiển nhiên là không được công nhận bởi những quốc gia sử dụng hệ thống định nghĩa nhãn hiệu theo dạng liệt kê như đã trình bày.
Hệ thống thứ ba từ đó được tạo ra từ chính hai hệ thống đã nêu ở trên, nhằm khắc phục những điểm yếu đã tồn tại trước đó. Hệ thống thứ nhất đưa ra một khái niệm chung chung và bất cứ dấu hiệu nào thỏa mãn những yêu cầu và chức năng đã gắn với quy định này đều được nhà nước công nhận và bảo hộ, do đó làm cho phạm vi định nghĩa không xác định được. Hệ thống thứ hai, ngược lại, đưa ra một ý tưởng cố định, liệt kê những loại dấu hiệu và phương tiện có thể được xem là nhãn hiệu, do đó mang tính giới hạn và bó buộc. Thay vì vậy, hệ thống thứ ba đưa ra một định nghĩa mở mang tính linh hoạt, có khả năng thích nghi được với những loại nhãn hiệu phát sinh mới, trong dòng chảy kinh tế của xã hội. Bên cạnh đó, nó lại có thể vừa đủ rõ ràng, chi tiết hơn so với hệ thống đầu tiên, làm thuận tiện hơn cho việc xác định một loại nhãn hiệu không thể hiện được rõ ràng theo mô tả trong luật có thể được chấp nhận là một nhãn hiệu hay không.
Trong khi cách định nghĩa theo hai hệ thống đầu tiên có thể vẫn còn được áp dụng một vài nơi, thì nhiều hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của các quốc gia trên thế giới hiện nay đã và đang cố gắng để đưa ra định nghĩa về nhãn hiệu theo hệ thống thứ ba như trên, sau khi cân nhắc những lợi thế mà nó mang lại.
Luật Nhãn hiệu và các dấu hiệu phân biệt khác của Nicaragua (và một số quốc gia Nam Mỹ khác như Costa Rica, Salvador,…cũng mang những quy định tương tự), giới thiệu khái niệm nhãn hiệu theo hệ thống này. Điều 2 Luật này định nghĩa nhãn hiệu: “Bất kỳ dấu hiệu nào phù hợp dùng để phân biệt các loại hàng hóa và dịch vụ”. Ngoài ra, Điều 3 Luật này bổ sung thêm những điều kiện liệt kê cụ thể để cấu thành nhãn hiệu, như “từ ngữ, slogan, cụm từ quảng cáo, ký tự, số, chữ lồng (monogram), hình thể, hình chân dung, nhãn mác hàng hóa,… Quy định về nhãn hiệu từ Luật Nhãn hiệu của Tây Ban Nha cũng tương tự, được thể hiện tại Điều 4.1: “Nhãn hiệu được hiểu là bất kỳ dấu hiệu nào có khả năng thể hiện nét vẽ, đồ họa, dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ trên thị trường của một công ty này từ một công ty khác”; và cũng tương tự như khu vực Nam Mỹ, mục 2 của Luật Nhãn hiệu Tây Ban Nha cũng đưa ra những liệt kê chi tiết về những điều kiện có khả năng là nhãn hiệu.
Quy định về nhãn hiệu của Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tại Khoản 16 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 của Việt Nam, nhãn hiệu được định nghĩa là “dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Tương tự, tại Điều 72 của Luật này cũng liệt kê những điều kiện cụ thể để được xem là nhãn hiệu: “dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc”. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn giữa luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam so với những luật về nhãn hiệu của các quốc gia khác chính là yếu tố “dấu hiệu nhìn thấy được” trong mô tả điều kiện của nhãn hiệu. Như vậy, dù đều hướng đến cách định nghĩa nhãn hiệu bằng hệ thống định nghĩa thứ ba như đã nêu trên, nhưng trong phạm vi điều kiện công nhận yếu tố cấu thành nhãn hiệu của từng quốc gia vẫn có sự khác biệt nhất định.
- Vấn đề nhãn hiệu mang tên Covid-19
Trong thời gian gần đây đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, đa số các quốc gia đều quyết định thực hiện giãn cách xã hội, yêu cầu mọi công dân chỉ ở nhà và không ra ngoài đường khi không có việc cần thiết. Với khoảng thời gian như vậy, một số người đã tìm nhiều biện pháp khác nhau để tìm cách kiếm sống tại nhà qua chuỗi ngày dịch bệnh này. Một câu hỏi mà có thể không ít người đã từng nghĩ đến, là xác minh tính hợp pháp của việc lấy nhãn hiệu mang tên “Covid-19” trong thời gian này để tạo ra lợi thế cho hàng hóa hay dịch vụ của mình. Trong khi phần lớn bộ phận của thế giới đang nỗ lực chống đại dịch Covid-19, thì một số lại nghĩ đến việc khai thác tiềm năng thương mại trong cái tên “Covid-19” và nhắm đến một lợi nhuận đáng kể từ đây. Tại Trung Quốc ghi nhận nhiều hồ sơ xin đăng ký nhãn hiệu lấy tên của Covid-19 bằng tiếng Trung, hay Huoshenshan và Leishenshan, tên của hai bệnh viện ở Vũ Hán được xây dựng trong chỉ vài ngày để điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm Covid-19. Số liệu thống kê của Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc cho thấy hơn 1.500 đơn đăng ký nhãn hiệu liên quan đến Covid-19 đã được nộp kể từ thời điểm đầu tiên khi đại dịch vừa mới bùng phát.
Trên thực tế, tên của một số người nổi tiếng trên internet và các thuật ngữ hoặc khẩu hiệu thịnh hành đã thoát khỏi sự giám sát của cơ quan quản lý nhãn hiệu và đã được đăng ký làm nhãn hiệu, như nhãn hiệu từ các ca sĩ Rihanna, Justin Bieber,…
Nếu sử dụng bộ công cụ tìm kiếm google thì hiện nay, kết quả “nhãn hiệu mang tên Covid-19” là không khả dụng. Rõ ràng, lý giải cho việc này là vì dù đã có hồ sơ xin đăng ký nộp lên cơ quan có thẩm quyền của một số quốc gia như Trung Quốc, Tây Ban Nha,… nhưng các cơ quan này đều từ chối việc đăng ký. Tại Tây Ban Nha ghi nhận, nếu được thông qua thì có lẽ hiện nay đã có 16 nhãn hiệu tại quốc gia này mang tên Covid-19. Trong số tất cả yêu cầu này, việc xử lý các đơn đăng ký đã chính thức bị các giám định viên hủy bỏ, theo quy định tại Điều 5.1.f, Luật Nhãn hiệu của Tây Ban Nha, cho rằng cần “hủy bỏ việc đăng ký những dấu hiệu… trái với pháp luật, trật tự công cộng hay thuần phong mỹ tục”. Việc lấy tên gọi của một loại virus đang gây ra nhiều nỗi đau và mất mát cho thế giới, rõ ràng là nhạy cảm và việc lợi dụng điều này để thu lợi thương mại từ nhãn hiệu mang tên đó là không được chấp nhận, dù là sản phẩm hay dịch vụ mang tên nhãn hiệu này có chức năng giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng đi chăng nữa.
Tại Việt Nam, một quy định tương tự cũng đã được các nhà làm luật đặt ra cho Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Điều 8 của Luật này cho thấy chính sách bảo hộ của nhà nước là “Công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh”. Rõ ràng, nếu nhãn hiệu trên thị trường Việt Nam hiện nay được đăng ký mang tên Covid-19, virus corona hay những khái niệm tương tự, thì chắc chắn không thể đảm bảo lợi ích cộng đồng và còn trái với đạo đức xã hội, khi mà hậu quả do Covid-19 gây ra tại Việt Nam là không nhỏ.
Trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đang diễn ra ở thời điểm hiện nay, sản phẩm mà nhãn hiệu có thể tạo ra sự ảnh hưởng lớn nhất chắc chắn chính là đối với những phương tiện, sản phẩm y dược mang chức năng phòng, chống dịch bệnh do virus corona gây ra. Dưới đây bài viết sẽ liệt kê và phân tích một số điểm về vấn đề này.
3.1 Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên
Cho đến thời điểm hiện tại, đối với nhu cầu mong muốn nhãn hiệu của một chủ thể được bảo hộ, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chia làm hai trường phái, đó là nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (first to file) và nguyên tắc sử dụng đầu tiên (first to use).
Nguyên tắc sử dụng đầu tiên bảo hộ một dấu hiệu để nhận diện nguồn hàng hóa và dịch vụ chưa được đăng ký, đang được sử dụng để làm nhãn hiệu, đồng thời cấp quyền cho chủ sở hữu. Dù vậy, các quyền này thường có phạm vi hẹp hơn so với quyền khi nộp đơn đăng ký một nhãn hiệu tương đương. Nguyên tắc này hiện vẫn đang được áp dụng rộng rãi tại một số quốc gia như Hoa Kỳ, Australia, Malaysia, Singapore,…
Nguyên tắc sử dụng đầu tiên ra đời từ rất sớm cùng với Luật Nhãn hiệu đầu tiên được ban hành, nhưng khi nền kinh tế xã hội trải qua nhiều thay đổi, nhận thấy tồn tại nhiều điểm hạn chế, nên nguyên tắc nộp đơn đầu tiên được giới thiệu sau đó để khắc phục những bất cập này.
Theo hệ thống pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ, có quy định rõ tại Điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên như sau: “Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau hoặc trường hợp có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ”. Như vậy, nếu nhiều loại nhãn hiệu trùng hoặc tương tự nhau nhưng xin được đăng ký cho những sản phẩm, dịch vụ không trùng hoặc tương tự nhau sẽ không gây khó khăn cho Cục Sở hữu trí tuệ trong quá trình thụ lý. Tuy nhiên, nếu đó là những sản phẩm hay dịch vụ trùng hoặc tương tự nhau thì chỉ ưu tiên cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu trong đơn “hợp lệ” và có “ngày ưu tiên” hoặc “ngày nộp đơn sớm nhất”. Theo quy định tại Điều 91 của Luật này, ngày ưu tiên là “ngày nộp đơn hợp lệ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hoặc là ngày nộp đơn hợp lệ tại một quốc gia khác là thành viên của Công ước Paris trong khoảng thời gian theo quy định”. Ngoài ra, một số quốc gia khác cũng áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên là Trung Quốc, Đức, Pháp, Tây Ban Nha,…
Tình hình đại dịch Covid-19 diễn ra hiện nay đang đòi hỏi nhu cầu tạo ra nhiều phương tiện, sản phẩm phòng chống dịch bệnh. Đây có thể cũng là cơ hội để nguyên tắc nộp đơn đầu tiên thể hiện ưu điểm vốn có của nó, khi đảm bảo được thành quả trí tuệ của những người đã tạo ra nhãn hiệu gắn vào sản phẩm, dịch vụ đó. Việc nghiên cứu, sáng tạo của Việt Nam tỏ ra không thua kém so với các quốc gia tiên tiến khác, khi một loạt những sản phẩm y tế, vaccine được giới thiệu trong quỹ thời gian rất ít ỏi để kịp thời phòng chống dịch bệnh. Tác giả Lại Nam Hải, một nhà phát minh, điều hành và sáng lập tại Công ty Wakamono chuyên về nghiên cứu công nghệ và sản xuất các nguyên liệu Nano Biotech tại khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và giới thiệu với thế giới một loại khẩu trang có chức năng diệt trên 99% các loại vi khuẩn gam âm và gam dương và các loại vi rút có màng và vi rút không có màng. Giữa tháng 10/2020, những chiếc khẩu trang của Công ty Wakamono đã có mặt tại Ý, Bồ Đào Nha, Úc, NewZealand, UAE và trong thời gian sắp tới là Đức, Pháp, Tây Ban Nha sau khi hoàn thành những quy trình kiểm nghiệm riêng tại các quốc gia này. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang nỗ lực để thời gian sắp tới công bố những loại vaccine đầu tiên do chính mình sản xuất và phân phối, trong đó nổi bật nhất chính là Nano Covax.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng nhất mà các nhà sản xuất cần phải thúc đẩy thực hiện sau khi đã có sản phẩm thành công, chính là việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho những thành quả này của mình. Để hiểu rõ lý do tại sao, có thể so sánh điều này với một sản phẩm tương tự của Hoa Kỳ là vaccine Pfizer. Vào tháng 12/2020, công ty điều chế vaccine nổi tiếng tại Hoa Kỳ là Pfizer, sau khi phân phối thành công vaccine của mình đi toàn thế giới, đã tiến hành đăng ký một nhãn hiệu slogan để bảo vệ thành quả marketing của công ty cho loại vaccine này.
Có quan điểm cho rằng tại sao Pfizer lại phải đăng ký cho một câu slogan đơn giản như trên. Thực tế cho thấy, đây là một việc làm khôn ngoan từ một trong những ứng cử viên cho vị trí Vaccine hàng đầu thế giới. Một câu nói, slogan tuy đơn giản nhưng có thể mang trong mình bản sắc, danh tính và vị thế của công ty, từ đó có thể ngăn các đối thủ cạnh tranh lợi dụng đà thành công của mình. Một khi những thủ tục cuối cùng cho việc đăng ký slogan của công ty Hoa Kỳ này được hoàn thành, Pzifer có thể củng cố lợi thế marketing của mình và ngăn chặn các đối thủ trong việc sử dụng slogan của họ. Do đó, Tuy không phải là một thủ tục bắt buộc, nhưng những công ty điều chế vaccine có xuất xứ Việt Nam cũng nên có động thái tương tự để đảm bảo nhãn hiệu của vaccine Việt Nam không bị một số doanh nghiệp tư nhân nước ngoài lợi dụng để thu lợi. Bài học từ vụ kiện đối với nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột từ nhãn hiệu Buôn Ma Thuột Quảng Châu trước đây đã phần nào chứng minh được điều này.
3.2 Về việc bảo hộ sáng chế và nhãn hiệu của vaccine
Hiện vẫn đang hiện hữu một câu hỏi từ các nhà nghiên cứu pháp lý đối với vấn đề đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các loại vaccine. Ngày 11/8/2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố quốc gia này đã điều chế thành công vaccine để điều trị, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Từ đó, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký thành công sáng chế cho vaccine chống Covid-19 mang tên Sputnik V. Nhiều quốc gia đặt câu hỏi nghi ngại, liệu hành động đăng ký sáng chế cho vaccine của nước này có phải là động thái của nỗ lực muốn độc quyền sản xuất, hay chỉ đơn thuần là nhu cầu muốn ngăn ngừa việc bị lợi dụng chiếm đoạt, đánh cắp vaccine và sản xuất sao chép tràn lan theo đó.
Trước tiên cần làm rõ khái niệm về sáng chế để so sánh với việc đăng ký nhãn hiệu được thuận tiện hơn. Theo khoản 12 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì sáng chế là “giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”. Bên cạnh đó, bằng độc quyền sáng chế là độc quyền được cấp cho sáng chế của một cá nhân, một sản phẩm hoặc quá trình, một cách mới để làm một điều gì đó, hoặc đưa ra một giải pháp kỹ thuật mới cho một vấn đề. Để được cấp bằng độc quyền sáng chế, phát minh phải thoả mãn những điều kiện nhất định theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, như yêu cầu một phát minh đủ tư cách để bảo hộ dưới dạng cấp bằng phát minh sáng chế khi nó có tính mới, là bản chất sáng tạo và có khả năng ứng dụng công nghiệp. Như vậy nếu Nga tiến hành đăng ký bằng sáng chế thành công, và thực tế ở thời điểm hiện tại Nga đã đăng ký thành công cho 3 loại vaccine Sputnik trước đó, thì ngoài Nga ra, không một chủ thể nào được chế tạo, sử dụng, phân phối hoặc bán các loại vaccine tương tự, nếu không được sự đồng ý của quốc gia này.
Mặt khác, theo quy định tại Hiệp định TRIPS về quyền sở hữu trí tuệ, cùng với Nghị định thư sửa đổi Hiệp định TRIPS (Protocol Amending the TRIPS Agreement) có hiệu lực ngày 23/01/2017, tại Điều 31 có nêu rõ cho phép các nước thành viên ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với một sáng chế dược phẩm mà không cần tuân thủ quy định của Điều 31(f) Hiệp định TRIPS. Vì vậy, về mặt pháp lý thì Nga cũng không phải là quốc gia ngoại lệ và phải tuân thủ theo quy định chuyển giao sáng chế như Nghị định thư đã đưa ra. Tuy vậy, động thái của Nga cũng đã làm phát sinh làn sóng phản đối mạnh mẽ và một cuộc vận động được thực hiện bởi nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, Việt Nam và Liên minh châu Âu đệ trình lên WTO với mong muốn rút bỏ những quy định đăng ký sáng chế như vậy trong tình hình đại dịch Covid-19 đang có tác động lớn đến toàn cầu.
Tuy nhiên, đối với vấn đề đăng ký nhãn hiệu, đây là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nếu như văn bằng sáng chế có thể được ví như là phần nội dung, tinh thần cốt lõi của một loại hàng hóa, dịch vụ nào đó, thì nhãn hiệu lại được xem như phần vỏ bọc bên ngoài, thể hiện cái nhìn của xã hội đối với hình ảnh và độ uy tín của sản phẩm đó. Như vậy, nếu việc đăng ký bảo hộ sáng chế có thể đang là một vấn đề nhạy cảm và gây tranh cãi trên thế giới, thì việc đăng ký nhãn hiệu đơn thuần nhằm mục đích xây dựng hình ảnh, độ tin cậy của sản phẩm của riêng mình. Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 có quy định “1. Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp; 2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó”. Do đó, dù rơi vào trường hợp nào đi nữa, vaccine do Việt Nam tự điều chế và sản xuất vẫn sẽ đủ điều kiện để đăng ký nhãn hiệu như Công ty Pfizer của Hoa Kỳ thực hiện. Các doanh nghiệp, công ty của Việt Nam do vậy nên cân nhắc và ưu tiên thực hiện việc này, ngay sau khi vaccine Nano Covax trong nước được sản xuất thành công.
- Kết luận và khuyến nghị
Kết luận
Nhìn một cách tổng thể, quyền sở hữu công nghiệp có thể được xem là một công cụ đắc lực hỗ trợ cho nhà sản xuất, doanh nghiệp trong việc giới thiệu, marketing và bảo hộ toàn diện cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình trên thị trường trong nước và quốc tế. Giữa đại dịch Covid-19 đang hoành hành hiện nay, quyền sở hữu công nghiệp nói chung và quyền sở hữu đối với nhãn hiệu nói riêng lại càng là một yếu tố then chốt giúp xây dựng niềm tin cho các công ty, nhà sản xuất trong việc sáng tạo và phát triển nên những sản phẩm y dược mang chức năng phòng chống dịch bệnh do virus corona gây ra.
Dưới góc độ nghiên cứu thể chế pháp luật, sự sáng tạo của sở hữu công nghiệp là một vấn đề còn khá mới mẻ không chỉ riêng tại Việt Nam mà cả trên toàn thế giới. Những quy định đầu tiên về vấn đề sở hữu trí tuệ chỉ mới được đề cập trong những thập niên khoảng 1970, với Thỏa ước Madrid như một nỗ lực của các quốc gia thành viên trong việc đồng bộ hóa những quy phạm về nhãn hiệu, quyền sở hữu công nghiệp và tăng thêm sự đồng thuận trong việc đăng ký quốc tế nhằm thuận tiện và dễ dàng hơn. Từ khi nhiều Hiệp ước, Hiệp định đa biên của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, được xây dựng và phát triển, hiệp định TRIPS được ký kết năm 1994 như một công cụ đắc lực thứ hai trong việc tạo dựng cơ sở pháp lý cho vấn đề quyền sở hữu trí tuệ quốc tế. Tuy vậy, bất chấp những sự kiện này, doanh nghiệp tại hầu hết các quốc gia hiện nay trên thế giới đa phần vẫn còn xu hướng e ngại những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Việc thay đổi cái nhìn của các doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề này, tuy không thể thực hiện một sớm một chiều, nhưng là điều cần phải được thực hiện nếu muốn đặt mục tiêu phát triển kinh tế lâu dài trong tương lai.
Khuyến nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine và trong tương lai có thể là thuốc điều trị Covid-19 đang là một vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm vì tầm quan trọng của nó. Đây là bước đầu tiên và cũng là bước thực hiện đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giới thiệu sản phẩm vaccine của riêng mỗi nhà sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Do đó, việc cân nhắc đăng ký bảo hộ là việc làm hoàn toàn cần thiết cho các doanh nghiệp đã và đang tiến hành nghiên cứu và điều chế thuốc, vaccine phòng chống Covid-19. Như một số điểm đã phân tích ở phần trên của bài viết, các doanh nghiệp nên chú trọng thực hiện một số khía cạnh như sau:
Thứ nhất, không dùng Covid-19 hoặc những tên gọi liên quan tương tự (ví dụ: Coronavirus, Covid-19 epidemic/quarantine…) làm thành tố cho tên nhãn hiệu vaccine, thuốc điều trị. Dù có thể chứa đựng tiềm năng về lợi ích kinh tế, song chắc chắn sẽ không phù hợp về khía cạnh đạo đức và trên hết là quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành.
Thứ hai, tiến hành nộp đơn đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu vaccine, thuốc điều trị trước khi công bố sản phẩm ra thị trường. Dù thoạt nhìn, tên nhãn hiệu có vẻ đơn giản, nhưng đây lại là một loại tài sản vô hình chứa đựng trong nó giá trị ẩn rất lớn. Thực tế đã cho thấy rất nhiều tên nhãn hiệu trên thị trường hiện nay đã bị làm giả, sao chép, đặt tên gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng vì các chủ thể khác muốn hưởng lợi về giá trị từ sự uy tín của các nhãn hiệu nổi tiếng này. Hơn nữa, với nguyên tắc nộp đơn đầu tiên được áp dụng trong hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam, nếu chậm chân, chủ sở hữu của sản phẩm có khả năng bị mất trắng tên nhãn hiệu của mình về tay một chủ thể khác.
Thứ ba, thay vì tiến hành đăng ký bảo hộ sáng chế đối với vaccine, thuốc điều trị Covid-19, các doanh nghiệp nên cân nhắc chuyển sang đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Như đã phân tích, việc bảo hộ sáng chế có thể hạn chế những sự nghiên cứu tương tự, thừa hưởng công nghệ từ chủ sở hữu và tránh việc bị sản xuất tràn lan. Nhưng trong bối cảnh đại dịch hiện nay, việc làm này vô tình lại không mang lại lợi ích cho xã hội và cả thế giới. Ngược lại, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu vẫn vừa đảm bảo uy tín và thương hiệu của chủ sở hữu sản phẩm, nhưng không làm giới hạn khả năng nghiên cứu, điều chế những sản phẩm tương tự khác, do đó vẫn giữ cân bằng cuộc tranh đua điều chế, tìm ra loại thuốc, vaccine phòng chống đại dịch Covid-19, giúp thế giới nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường trước đây.
Tài liệu tham khảo (Reference)
Tài liệu tiếng Việt:
- Lê Xuân Thảo (2005) Đổi mới và hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, Nhà xuất bản Tư pháp
- Trần Minh Dũng (2010), '' Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính'', tại trang //thanhtra.most.gov.vn, [Truy cập ngày 18/07/2021]
- TS. Bạch Hồng Việt (08/12/2020), Tác động của đại dịch Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững ở Việt Nam, [Truy cập ngày 18/07/2021]
- Đánh giá Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam: [Truy cập ngày 16/07/2021]
Tài liệu nước ngoài
- Mati de los Ángeles Hernández Alfaro (2014), Tesis Doctoral “La registrabilidad de la marca en el Derecho Nicaragüense”, Universidad de Alcalá, pagina 101 – 118
- D. Ignacio Alamar Llinás (2015), Tesis Doctoral “La marca no inscrita”, Universidad Católica de Valencia, pagina 17-91
- Luis Beneyto (2020), ¿Se puede registrar la marca COVID-19?, (truy cập ngày 15/07/2021)
- (Truy cập ngày 15/07/2021)
Zhang Can (2020), Can COVID-19 related terms be registered as trademarks?,
Hãy là người bình luận đầu tiên