TS. Thái Thị Tuyết Dung
Trường ĐH Kinh tế- Luật, ĐHQG-HCM
----------
Tháng 4/2020, lực lượng chức năng phường Trúc Bạch, Thành phố Hà Nội, đã xử phạt hai người đi câu cá và một người đi bán bông vì hành vi ra đường không có lý do cần thiết theo Điểm a Khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Đó là hành vi "không thực hiện biện pháp để bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của các cơ quan y tế với mức phạt phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng”.
Tại thời điểm trên, có nhiều ý kiến không đồng tình về việc xử phạt này, vì tính chất của hành vi vi phạm không tương thích với quy định pháp luật. Bởi lẽ, quy định pháp luật nêu rõ cần đủ 2 điều kiện mới xử phạt được: (1) đối tượng “người có nguy cơ mắc bệnh dịch”, (2) không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của các cơ quan y tế.
Người bị xử phạt phải là “người có nguy cơ mắc dịch bệnh”, tức là người tiếp xúc với người bệnh, có mang mầm bệnh, đã từng đến vùng có dịch, ổ dịch, còn người đi ra đường nếu không thuộc trường hợp trên mà có xét nghiệm âm tính thì về nguyên tắc không được xem là người có nguy cơ mắc bệnh dịch.
Còn hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của các cơ quan y tế, tức không thực hiện yêu cầu 5K của Bộ Y tế như không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách đúng quy định, không khử khuẩn, tập trung đông người, không khai báo y tế thì mới bị xử phạt.
Như vậy, với bối cảnh tháng 4/2020, nếu một người đi ra đường vì một lý do như đi thăm bệnh, bán bông để mua lương thực… mà đeo khẩu trang, giữ khoảng cách đúng quy định thì không thể áp dụng Điểm a Khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP để xử phạt với hành vi trên.
Ngày 28/9/2020, Nghị định 117/2020/NĐ-CP được ban hành thay thế Nghị định 176/2013/NĐ-CP nêu trên, trong đó nhiều điều khoản xử phạt liên quan về dịch bệnh có hiệu lực từ ngày ký (còn lại các điều khoản khác có hiệu lực từ ngày 15/11/2020). Điểm lưu ý là trong Nghị định này có 2 điều khoản quy định xử phạt liên quan đến hành vi nêu trên, đó là:
- Điểm a Khoản 1 Điều 12 quy định “phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”. Quy định hành vi vi phạm này giống Điểm a Khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, chỉ khác nhau là chế tài tăng lên gấp 10 lần.
- Điều khoản mới, đó là Khoản 2 Điều 14 của Nghị định này quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trừ các trường hợp đã quy định cụ thể tại một số điều trong Nghị định này. Đây là “điều khoản quét”, nhằm đảm bảo xử phạt các hành vi do các cơ quan khác ban hành như Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản áp dụng tại địa phương… Ví dụ, các cơ quan ở địa phương có thể ban hành quy định các biện pháp phòng chống lây lan dịch bệnh như hạn chế ra ngoài, doanh nghiệp áp dụng phương thức “3 tại chỗ” mới được hoạt động sản xuất,… cá nhân, tổ chức nào vi phạm thì sẽ bị xử phạt. Nên rõ ràng, đây là cơ sở pháp lý phù hợp cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử phạt người ra đường không vì lý do cần thiết.
Thực tiễn hiện nay, việc xử phạt người ra đường không vì lý do cần thiết đã gây nhiều tranh cãi gần đây khi người dân bị phạt khi ra khỏi nhà rút tiền ở ATM, hoặc đi mua bánh mì,…Đáng ra các cơ quan xử phạt phải áp dung Khoản 2 Điều 14, thì lại áp dụng Điểm a Khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Việc áp dụng này chưa phù hợp, dù một số ý kiến cho rằng mức phạt tại Khoản 1 Điều 11 nhẹ hơn (1-3 triệu), trong khi hành vi tại Khoản 2 Điều 14 thì mức phạt quá cao (5-10 triệu) sẽ gây khó khăn cho người dân.
Trong khi đó, các địa phương đã chủ động áp dụng xử phạt Khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như hành vi đi về từ vùng dịch mà không khai báo, hành vi trốn khỏi khu vực phong tỏa, hành vi không đảm bảo giãn cách, không ghi chép thông tin về khách hàng , hành vi lén lút chở người từ vùng dịch qua mặt chốt kiểm soát y tế, …Nhiều địa phương cũng đã xử phạt nhiều hành vi chưa được liệt kê trong Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Như vậy, trước thời điểm có hiệu lực của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP (ngày 28/9/2020), chưa có căn cứ nào để xử phạt với hành vi ra ngoài đường không thực sự cần thiết. Sau thời điểm này, việc xử phạt hành vi này nên áp dụng Khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, không biết lý do vì sao, việc xử phạt hành vi ra đường không thật sự cần thiết lại áp dụng Điểm a, Khoản 1, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Vì vậy, theo quan điểm tác giả, để đảm bảo việc áp dụng pháp luật chính xác, hành vi ra ngoài đường không thực sự cần thiết trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, cần áp dụng xử phạt theo Khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
________________________
1
2 Bị phạt khi ra khỏi nhà rút tiền ở ATM, hoặc đi mua bánh mì…
2
3
4
5
6
Hãy là người bình luận đầu tiên