Bạn đọc thân mến, Nghề giáo tự cổ chí kim đều được xã hội tôn quý, trọng vọng, mang lại niềm vinh dự, tự hào cho người dạy học. Nhưng có lúc, có nơi, vinh dự, tự hào vị tất đồng hành với sự vui vẻ và hạnh phúc, với “trạng thái sung sướng vì hoàn toàn đạt ý nguyện”.
Chọn nghề dạy học là chọn lối sống dung dị, thanh liêm. Và hạnh phúc của người thầy cũng giản đơn, cụ thể. Là người lao động, người thầy thấy mình sống được tử tế với đồng lương; là nhà đào tạo, người thầy thấy kiến thức mình trao truyền được đón nhận; là nhà giáo dục, người thầy thấy hạt giống đạo đức mình gieo đang dần lớn lên trong cuộc sống; là nhà trí thức, người thầy thấy mình được tự do lái con thuyền sứ mạng mà mình đảm trách.
Để tạo ra hạnh phúc cho mình, hiển nhiên và trước hết, người thầy phải tự hoàn thiện nhiều mặt, nhất là về kiến thức, nhân cách, kỹ năng sư phạm để xứng đáng với hai chữ “làm thầy”; phải biết vượt qua những thách thức của nghề nghiệp, những trớ trêu của môi trường xã hội để tìm bến đỗ an yên cho tâm hồn.
Hạnh phúc nếu chỉ nỗ lực kiếm tìm từ một phía, rất hiếm khi trọn vẹn, bền lâu. Thậm chí kéo dài những nỗ lực từ một phía, hạnh phúc đó có chăng cũng dần biến thành bi kịch. Vì vậy, để người thầy được hạnh phúc, luôn cần sự tương thông, thấu cảm của cả cộng đồng cùng nhiều thiết chế khác. Trong đó, sự chăm chỉ, hiếu học, sự thành nhân, thành công của người học là yếu tố quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định.
Sẻ chia trăm điều trên bục giảng, người thầy tự trọng và có lương tâm, lúc về nhà gác tay lên trán, thường thấy một vài điều lẽ ra không nên nói. Điều không nên nói ấy không hẳn phi chân lý nhưng có thể mang lại cách hiểu khác khi tách rời ngữ cảnh. Bấy giờ hạnh phúc của người thầy trở nên mong manh và ít nhiều phụ thuộc vào trí lực và tấm lòng của người học.
Kính mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam đến với quý thầy cô thật nhiều hạnh phúc. “Những người thầy hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”.
Hãy là người bình luận đầu tiên