cá cược thể thao trực tuyến là gì - web cá độ thể thao uy tín

Kinh tế - Xã hội

HIỆN TƯỢNG ZOOM FATIGUE: Những ảnh hưởng từ việc học tập, làm việc online và biện pháp khắc phục

  • 29/12/2021
  • TS Hà Thị Thanh Hương, Nhóm nghiên cứu Sức khoẻ não bộ, Trưởng bộ môn Y học Tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y Sinh, Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM
    Nguyễn Tiến Đạt, Nhóm nghiên cứu Sức khoẻ não bộ, Khoa Kỹ thuật Y Sinh, Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM
    --------

    Tóm tắt: Trong giai đoạn tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều công ty và trường học đã chuyển sang hình thức làm việc và học trực tuyến. Qua nghiên cứu cho thấy, hình thức này còn tồn tại nhiều khuyết điểm, ảnh hưởng đến năng suất làm việc và sức khỏe tâm thần của con người. Hiện tượng mệt mỏi, mất sức sau các buổi học và làm việc trực tuyến đã không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, nếu cứ để tiếp diễn sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần. Muốn hạn chế những tác động tiêu cực từ việc học và làm việc online, bạn đọc cần nắm rõ những triệu chứng thường gặp, từ đó đưa ra các biện pháp khắc phục hiệu quả nhằm thích nghi với môi trường mới này.

    Từ khóa: Sức khỏe tâm thần, Đại dịch COVID-19, Những ảnh hưởng tâm lý, học làm việc online

    Theo nhận định của BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viên Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, chủ yếu do biến chủng Ấn Độ gây ra, có quy mô và tính phức tạp cao hơn các lần dịch trước bởi nó bùng phát cả ở trong những bệnh viện, nơi có nhiều người bệnh nặng, nhiều bệnh lý nền, cả ở trong cộng đồng và nhiều địa phương và kể cả ở trong các khu công nghiệp lớn [1].

    Trước tình hình đó, nhiều trường học và công ty cũng dần chuyển sang hình thức học tập và làm việc online, vốn còn gây nhiều tranh cãi về tính hiệu quả cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần trong thời gian dài. Theo thống kê từ Bệnh viện Tâm thần Trung ương, trong số những người có biểu hiện tâm lý bất bình thường đến khám, tư vấn thời gian qua thì có đến 30% là học sinh, sinh viên do stress từ việc học online [2].

    “Zoom Fatigue” là gì?

    Theo một nghiên cứu của giáo sư Jeffree Hancock, được đăng trên diễn đàn thông tin của ĐH Stanford, thuật ngữ “Zoom Fatigue” được dùng để miêu tả cảm giác mệt mỏi, mất sức khi phải làm việc trực tuyến quá nhiều [3]. Từ “zoom” ở đây là tên một ứng dụng gọi video được các trường học, công ty sử dụng nhiều trong mùa dịch COVID-19.

    Trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, theo một thống kê cho thấy lưu lượng truy cập của hình thức này tăng đến 535% [4]. Chính vì vậy, hiện tượng “Zoom Fatigue” đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Cảm giác này gần giống như hiện tượng “burnout” khi bạn làm việc quá sức, lâu dài sẽ dẫn tới khó chịu, cáu gắt và thiếu tập trung [4].

    IMG_256
    Zoom Fatigue - một hiện tượng tâm lý phổ biến trong thời dịch bệnh COVID-19.

    Dấu hiệu nhận biết:

    - Hay quên và khó tập trung 

    - Khó duy trì các mối quan hệ bạn bè, người thân, dễ rơi vào trạng thái trầm cảm [5]

    - Hay bực bội và cáu gắt 

    - Ảnh hưởng về thể chất như căng cơ, mệt mỏi, khó ngủ,…

    Đối tượng nào dễ bị “Zoom Fatigue”?

    Theo một nghiên cứu của ĐH Stanford chỉ ra rằng hiện tượng “Zoom Fatigue” xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới với tỷ lệ cứ 7 người nữ sẽ có 1 người bị “Zoom Fatigue”. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cứ 20 người đàn ông sẽ có 1 người bị ảnh hưởng bởi tác động tâm lý này [6].

    Không chỉ giới tính, mà nhóm tính cách, tuổi tác và chủng tộc qua nghiên cứu cũng cho thấy sự liên quan đến hiện tượng “Zoom Fatigue”. Cụ thể, tỷ lệ số người hướng ngoại (extrovert) phản ánh tình trạng mệt mỏi sau khi làm việc online thấp hơn người hướng nội (introvert). Những người ổn định về cảm xúc cũng cho biết ít cảm thấy kiệt sức hơn những người hay lo lắng. Ngoài ra, khi xét về mặt tuổi tác, nhóm nghiên cứu thấy rằng tỷ lệ những người trẻ tuổi bị ảnh hưởng bởi “Zoom Fatigue” cao hơn những người lớn tuổi [6]. 

    Một yếu tố khác đó chính là chủng tộc: Từ dữ liệu sơ bộ, các nhà nghiên cứu đã cho thấy rằng tỷ lệ người da màu phản ánh mức độ mệt mỏi khi làm việc online nhiều hơn so với những người da trắng. Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu sâu hơn về yếu tố này [6].

    Nguyên nhân nào dẫn đến “Zoom Fatigue”?

    - Giao tiếp cận cảnh bằng mắt ở cường độ cao: Hình thức giao tiếp bằng mắt ở các cuộc trò chuyện video cũng như kích thước khuôn mặt trên màn hình đều không tự nhiên. Trong một cuộc họp thông thường, bạn sẽ nhìn vào người nói, ghi chép hoặc nhìn sang nơi khác. Tuy nhiên, ở các cuộc gọi Zoom, bạn sẽ phải nhìn vào tất cả người tham gia. Ngay cả khi không nói một lời nào trong cuộc họp thì bạn vẫn phải nhìn vào những khuôn mặt đang nhìn chằm chằm vào bạn dẫn đến việc giao tiếp bằng mắt được tăng lên đáng kể [3].

    - Thường xuyên quan sát bản thân trên các cuộc trò chuyện video là một việc rất mệt mỏi: Hãy tưởng tượng nếu bạn cứ nhìn vào hình ảnh phản chiếu của chính mình trong thời gian dài, bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu. Bên cạnh đó, ở hầu hết các cuộc gọi Zoom, nhiều người đang nhìn chằm chằm vào bạn hàng giờ đồng hồ mỗi ngày. Điều đó thật căng thẳng! Trên thực tế có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có những tác động tiêu cực về mặt cảm xúc khi nhìn mình trong gương [3]. 

    - Các cuộc trò chuyện video làm giảm đáng kể khả năng di chuyển thông thường của chúng ta: Khác với các cuộc trò chuyện trực tiếp, ở các cuộc gọi online, hầu hết các máy ảnh đều có một góc quay đặt sẵn, nghĩa là một người thường phải ở cùng một vị trí dẫn đến những hạn chế trong cử động [3]. 

    Điều gì xày ra nếu bị “Zoom Fatigue” lâu dài? [7]

    - Về thể chất: 

    + Ảnh hưởng đến mắt, vai (gây cứng lưng), khớp (gây viêm khớp) [7]

    + Nhức đầu, đau nửa đầu, kích ứng và đau mắt, nhìn mờ, chảy nước mắt và chớp mắt nhiều

    - Về tinh thần:

    + Cảm giác khó chịu, cáu gắt

    + Hay quên, tập trung kém [7]

    + Chán nản, thiếu động lực, hiệu suất làm việc giảm

    + Các bệnh lý thần kinh: trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ,… [7]

    Cách khắc phục

    Qua kết quả nghiên cứu cho thấy hiện tượng “Zoom Fatigue” là một tác động tâm lý phổ biến, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người. Sau đây là những cách khắc phục được các chuyên gia tâm lý học khuyến nghị:

    1. Hạn chế chế độ toàn màn hình và giảm kích thước cửa sổ: giảm kích thước cửa sổ Zoom so với màn hình để giảm thiểu kích thước khuôn mặt và sử dụng bàn phím ngoài nhằm mở rộng không gian làm việc [8].

    2. Bật chế độ “Hide Self-view” (ẩn tự xem bản thân): người dùng nên sử dụng nút “ẩn tự xem” (có thể tìm thấy bằng một cú nhấp chuột phải vào video của chính họ). Chế độ này giúp người dùng hạn chế cảm giác mệt mỏi khi phải tự xem mình quá lâu. [8]

    3. Hãy tắt micro trừ khi bạn là người phát biểu: nghiên cứu chỉ ra rằng tạp âm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc họp và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến “Zoom Fatigue”. Vì vậy, tắt micro giúp người phát biểu dễ dàng trình bày hơn, làm giảm sự căng thẳng, mệt mỏi. [8]

    4. Xem môi trường làm việc online cũng như môi trường làm việc truyền thống. Điều này giúp bạn dễ làm quen hơn với môi trường làm việc, hạn chế những lo âu không cần thiết. [8]

    5. Khi cảm thấy mỏi mắt, bạn nên chớp mắt liên tục trong 2 phút: Đây là bài tập giúp làm tăng khả năng tập trung của mắt bằng cách cải thiện sự ổn định cơ học của mắt. Về mặt quang học, phương thức luyện tập này giúp cải thiện quá trình chuyển tiếp hình ảnh đến não, giúp mắt nhìn rõ hơn. Những bài tập này rất đơn giản và không tốn quá nhiều thời gian, hãy luyện tập hàng ngày để có đôi mắt khỏe. [8]

    6. Trẻ nhỏ cần thời gian biểu hợp lý, tránh tình trạng quá mệt khi tham gia học: Các nghiên cứu cho thấy trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị mệt mỏi khi học online hơn so với người lớn. Vì vậy, cha mẹ nên lập cho con em mình một thời gian biểu hợp lý, cân bằng giữa việc học online và hoạt động sinh hoạt thường ngày [8]

    7. Thầy cô nên tạo ra một môi trường học tập trực tuyến lý thú và năng động: Điều này giúp trẻ có thể chủ động, hứng thú với việc học [8].

    8. Tránh làm nhiều việc cùng một lúc: Chắc hẳn bạn nghĩ rằng mọi việc sẽ tốt đẹp nếu bạn biết tận dụng thời gian để làm nhiều việc cùng lúc. Tuy nhiên, đối với sức khỏe tâm thần của bạn, câu trả lời sẽ là không! [9] Một nghiên cứu ở ĐH Stanford để chỉ ra rằng trí nhớ của những người làm nhiều việc cùng lúc sẽ không bằng những người chỉ làm đúng một việc vào một thời điểm [10]. Vì vậy, lần tới nếu bạn đang trong lớp học hay họp online, hãy đóng hết những tab không cần thiết. 

    9. Sau khi kết thúc buổi làm việc hay học online, đừng nằm ngay mà hãy di chuyển một chút và nhìn ra ngoài trời: Ngồi quá lâu trước màn hình cũng khiến cơ thể trở nên trì trệ, ảnh hưởng đến tinh thần [8].

    Lời kết:

    Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, hình thức học và làm việc trực tuyến đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, cần có một chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý, rèn luyện sức khỏe và hạn chế các suy nghĩ tiêu cực. Hãy tạo ra một môi trường làm việc và học tập online thật năng động và nhiệt huyết.

    Tài liệu tham khảo:

    1. ncov.vnanet.vn. (n.d.). Phó Giám Đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương Nguyễn Trung Cấp: COVID-19, người trẻ khỏe không thể chủ quan. Thông tấn xã Việt Nam - Thông tin về dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona. Retrieved September 10, 2021, from
    2. Thực trạng trầm cảm ở học sinh sinh viên. (2021). Retrieved 30 August 2021, from
    3. Bailenson, J. N. (2021, February 23). Nonverbal overload: A theoretical argument for the causes of Zoom Fatigue · Volume 2, Issue 1. Technology, Mind, and Behavior. .
    4. Digital in the Round. (2021, July 19). 20 astonishing video Conferencing statistics for 2021. Digital in the Round.
    5. Sarres, C. P., Espinoza, Ó. M., Pineda, E. G., & Landa-Blanco, M. (2021). The effects of telework satisfaction and Zoom fatigue on mental health: a pilot study.
    6. Fauville, G., Luo, M., Queiroz, A. C., Bailenson, J. N., & Hancock, J. (2021). Nonverbal mechanisms predict zoom fatigue and explain why women experience higher levels than men. SSRN Electronic Journal.
    7. Bennett, A. A., Campion, E. D., Keeler, K. R., & Keener, S. K. (2021). Videoconference fatigue? Exploring changes in fatigue after videoconference meetings during COVID-19. Journal of Applied Psychology, 106(3), 330–344.
    8. Bullock, A. N., Colvin, A. D., & Jackson, M. S. (2021, June). “All Zoomed Out”: Strategies for Addressing Zoom Fatigue in the Age of COVID-19. In The Learning Ideas Conference (pp. 61-68). Springer, Cham.
    9. Fosslien, L., & Duffy, M. W. (2020). How to combat zoom fatigue. Harvard Business Review, 29.
    10. Cao, H., Lee, C. J., Iqbal, S., Czerwinski, M., Wong, P. N., Rintel, S., ... & Yang, L. (2021, May). Large scale analysis of multitasking behavior during remote meetings. In Proceedings of the 2021 CHI Conference on Human Factors in Computing Systems (pp. 1-13).

    Hãy là người bình luận đầu tiên